Thực tế đã tồn tại nhiều loại ví tiền điện tử như Momo, Zalopay, Moca… Vậy “tiền di động” (mobile money) có gì khác? Vì sao cần có văn bản pháp lí để triển khai dù chỉ mới thí điểm và vì sao loại hình thanh toán này lại khiến không ít người lo ngại?
"Tiền di động" và mối lo ngại mất thế cạnh tranh
Trước khi đi vào đề tài chính, cần nói ngay là các chuyên gia và báo chí đang sử dụng từ “mobile money” để chỉ chuyện chuẩn bị cho các hãng viễn thông có các mạng điện thoại di động tham gia hoạt động thanh toán chi trả không dùng tiền mặt, bằng cách sử dụng tiền trong tài khoản di động.
Thiết tưởng ngay bây giờ cần nghĩ ra một từ để dùng thống nhất vì dùng "mobile money", chúng ta sẽ vô hình trung tạo ra sự xa lạ ở đa phần người Việt, nhất là khi loại hình thanh toán này nhắm tới các khoản chi tiêu nhỏ.
Mobile Money ra đời có phải là bài toán tối ưu cho người sử dụng?
Việc “dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ” hay “dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động”, có thể nên gọi tắt là “tiền di động” cho dễ hiểu và dễ hình dung hàng của người sử dụng, còn “tiền di động” sở dĩ được thúc hối triển khai và được kì vọng tạo ra bước đột phá là do không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.
Có thế mới có kì vọng hàng chục triệu người dân chưa có tài khoản ngân hàng sẽ sử dụng “tiền di động”, bởi dù chưa phải ai cũng có tài khoản ngân hàng, nhưng hầu như đều có tài khoản viễn thông, tức khoản tiền có sẵn trong điện thoại di động, khi hết có thể mua thẻ cào nạp thêm.
Ở nước ta tiền trong tài khoản di động đã có thể dùng để trả nhiều loại dịch vụ rồi, như dịch vụ xem các kênh truyền hình CNN, BBC trên FPT Play hay trả phí khi sử dụng dịch vụ tải nhanh từ FShare.
Giả thử “tiền di động” chính thức ra đời, nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên là các ví điện tử vì bị cạnh tranh trực tiếp, lại có lợi thế không cần phải liên kết với tài khoản ngân hàng nên họ lo ngại là phải.
Nơi lo lắng thứ nhì là các ngân hàng thương mại, bởi bỗng dưng có một đối thủ cạnh tranh có sẵn khối lượng khách hàng khổng lồ khắp cả nước mà không cần tiêu tốn gì nhiều để mở chi nhánh phục vụ. Những tiếng nói phản đối, bày tỏ lo ngại từ hai nơi này là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, loại trừ yếu tố cạnh tranh, một số lo ngại mà một số ngân hàng nêu ra là có cơ sở. Nếu các hãng viễn thông được hoạt động như những ngân hàng, tức khách có thể bỏ tiền vào tài khoản rồi dùng nó để chi tiêu mua sắm, thanh toán dịch vụ, chuyển tiền cho nhau, thì đó là một lỗ hổng pháp lí.
Các ngân hàng muốn hoạt động phải chịu một sự giám sát chặt chẽ, phải tuân thủ nhiều quy định để bảo đảm hệ thống được ổn định và an toàn. Cho phép “tiền di động” mà không đi kèm các ràng buộc sẽ tạo ra các rủi ro như rửa tiền, chuyển tiền trái phép, dùng tiền vào các hoạt động phi pháp như đánh bạc qua mạng đã từng xảy ra.
Vì thế điều kiện tiên quyết không phải là yêu cầu “tiền di động” phải gắn với một tài khoản ngân hàng. Một yêu cầu như thế sẽ làm mất hết các lợi thế của “tiền di động” mà các nhà làm chính sách muốn hướng đến. Điều kiện tiên quyết phải là hạn chế mức độ chi tiêu của tài khoản “tiền di động” trong ngày và chỉ ở dạng thí điểm.
Gấp rút soạn các quy định dành cho các hãng viễn thông
Sau đó cơ quan chức năng phải nhanh chóng soạn các quy định để các hãng viễn thông phải đăng kí hoạt động như các doanh nghiệp fintech ở nước ngoài, tức được đóng vai trò ngân hàng ở một số dịch vụ sau khi được rà soát và cấp phép trong một quy trình chặt chẽ, như khi cấp phép cho ngân hàng.
Nếu xem “tiền di động” cũng như một loại ví điện tử, nhưng đặc biệt là không liên kết với tài khoản ngân hàng, thì sẽ giải quyết các vấn đề khác như chuyện “phát hành tiền” (tài khoản di động chỉ là cái ví đựng tiền đồng do Ngân hàng Nhà nước phát hành chứ hãng viễn thông làm sao được phát hành tiền).
Vấn đề còn lại là liệu người dân có mặn mà với phương thức thanh toán này hay không lại là chuyện khác; đáng tiếc là dường như chưa có một khảo sát chuyên sâu nào được tiến hành làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách hay để triển khai dịch vụ.
Không chỉ là người dân mà phía người bán hàng, liệu họ có thích thú chuyện thu tiền bán hàng, cung cấp dịch vụ vào tài khoản di động rồi phải chịu một mức phí nào đó mới rút tiền ra được, bởi các hãng viễn thông từng tính tỉ lệ hoa hồng rất cao. Đó mới là những bài toán cần lời giải.
Việc "dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ" hay "dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động", có thể nên gọi tắt là "tiền di động" cho dễ hiểu và dễ hình dung.
Cái khác biệt quan trọng nhất là các ví tiền điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng của người sử dụng, còn "tiền di động" sở dĩ được thúc hối triển khai và được kì vọng tạo ra bước đột phá là do không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.
Khánh Huyền