Lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong tái cơ cấu các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia |
Thủ tướng Chính phủ vừa có Văn bản số 1066/TTg-KGVX gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tái cơ cấu các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, xét báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về nguyên tắc, tiêu chí hình thành, tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Bộ Khoa học và Công nghệ theo chức năng, thẩm quyền tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc, tiêu chí bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội đặc biệt là từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra.
Đồng thời, góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong trung hạn và dài hạn, phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, phải gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, Phương hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ 5 năm 2021-2025;
Các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia phải đảm bảo không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông giữa các chương trình; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trong phạm vi cả nước, giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng;
Mục tiêu, kết quả đạt được của các chương trình phải góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước, phát triển ra thị trường quốc tế với các ngành hàng có lợi thế tiềm năng; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhóm nghiên cứu mạnh.
Cùng với đó, gia tăng số lượng các công bố quốc tế, đăng ký sáng chế, cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); ưu tiên phát triển các mô hình sinh kế gắn với đặc thù của vùng, địa phương, có hệ thống các giải pháp công nghệ gắn với khai thác tài nguyên và chế biến đặc sản của vùng, miền và gắn với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, văn bản nêu rõ một số định hướng nghiên cứu ưu tiên đối với các lĩnh vực. Chẳng hạn, lĩnh vực công nghiệp tập trung vào công nghệ cơ khí và tự động hoá; hiện đại hóa công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản; công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hoá dược, sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu; công nghệ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường; công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp; lĩnh vực y tế: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng chống bệnh cho người; nghiên cứu công nghệ công nghiệp 4.0, công nghệ cao, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ số và đô thị thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ lưu trữ năng lượng, công nghệ vũ trụ, công nghệ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.
Nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường khoa học công nghệ nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia, tài sản trí tuệ, sản phẩm quốc gia, thị trường khoa học công nghệ, doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ, nhóm nghiên cứu mạnh; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...