Các quận, huyện, thị xã có diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ đạo bộ phận chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản.
Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Công văn số 1540/SNN-CCTS, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý giống thủy sản trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã có diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ đạo bộ phận chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản; kịp thời nắm bắt, xử lý, phản ánh những sai phạm về công tác quản lý giống thủy sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nói chung và tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản nói riêng góp phần tạo ra con giống thủy sản sạch bệnh; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản Hà Nội trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn. Tăng cường hướng dẫn cơ sở sản xuất, ương dưỡng, người nuôi thủy sản các quy định…
Thông tin, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định trước ngày 01/01/2021; thực hiện công bố thời gian sử dụng giống thủy sản bố mẹ, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định. Các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm thủy sản bắt buộc phải áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật, công bố hợp quy theo quy định.
Trong công văn này, Sở NN&PTNT cũng giao Chi cục Thủy sản Hà Nội tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng, công bố hợp quy của các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn thành phố theo quy định; chủ trì, phối hợp với bộ phận chuyên môn cấp huyện, xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định khác về sản xuất, ương dưỡng, vận chuyển, kiểm dịch giống thủy sản; giám sát môi trường và phòng chống dịch bệnh thủy sản. Chi cục Thủy sản Hà Nội có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài sẽ tác động xấu tới động vật thủy sản nuôi.
Liên quan đến việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Nội, như Thương hiệu & Sản phẩm đã đưa tin, trước đó Chi cục Thủy sản Hà Nội ban hành Công văn số 164/CCTS-QLNT, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho động vật thủy sản năm 2020.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa Hè năm 2020 nhiệt độ khu vực Bắc Bộ, trong đó, có thành phố Hà Nội sẽ cao hơn trung bình các năm từ 0,5 đến 1 độ C và xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài sẽ tác động xấu tới động vật thủy sản nuôi.
Để chủ động phòng, chống nắng nóng, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra do nắng nóng gây ra đối với động vật thủy sản nuôi, Chi cục Thủy sản Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã có diện tích nuôi trồng thủy sản tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho động vật thủy sản. Trong đó, tập trung hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn có diện tích nuôi trồng thủy sản chủ động xây dựng phương án phòng chống nắng nóng và phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội tổ chức thông tin, hướng dẫn cho người nuôi trồng thủy sản các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho động vật thủy sản để bảo vệ diện tích nuôi thả.
Các quận, huyện, thị xã triển khai tốt công tác kê khai số lượng nuôi trồng thủy sản ban đầu theo quy định; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thống kê diện tích và số lượng thủy sản thiệt hại nếu xảy ra hiện tượng chết do nắng nóng kéo dài, do dịch bệnh và thực hiện hỗ trợ thiệt hại theo quy định...
Hồng Nga