Giá tiêu quay đầu tăng nhẹ. |
Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt 150.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai giữ ổn định ở mức 149.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông cũng được giữ ổn định mức 150.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt 149.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước cũng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt 149.000 đồng/kg.
Giá hạt tiêu sẽ còn tiếp tục ở mức cao trong nhiều năm tới
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung của Indonesia đạt 7.161 USD/tấn, giảm 0.26%; giá tiêu trắng Muntok đạt 9.118 USD/tấn, giảm 0.27%.
Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil được giữ ổn định ở mức 7.125 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia cũng được giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 8.800 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam đồng loạt giữ giá ở mốc cao giao dịch ở 6.000 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 6.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 8.800 USD/tấn .
Một số chuyên gia nhận định, dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ được thị trường tiếp tục ghi nhận và phản ánh trong thời gian tới cho đến khi giáp hạt.
Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu. |
Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển, khiến giá tăng trong trung và dài hạn.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), mỗi chu kỳ tăng giá thường kéo dài trong khoảng 10 năm, nên không chỉ năm nay, giá hạt tiêu sẽ còn tiếp tục ở mức cao trong nhiều năm tới.
Trong tháng 6/2024, lượng tiêu nhập khẩu của Trung Quốc tăng đột biến. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu hơn 2.000 tấn tiêu, gấp 2,5 lần so tháng 5 và tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các nguồn cung cấp tiêu cho Trung Quốc từ nước ngoài, Indonesia chiếm hơn một nửa với 1.375 tấn, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho Trung Quốc theo đường chính ngạch trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024.
Trong khi đó, theo số liệu Hải quan Trung Quốc, lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam chỉ đạt 477 tấn trong tháng 6/2024, tăng 28% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn nhiều so với số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia Vị Việt Nam (VPSA) công bố là 2.582 tấn, do chỉ tính số chính ngạch.
Nếu xét theo số liệu chính ngạch, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc (sau Indonesia) trong nửa đầu năm nay với 1.515 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc chiếm 32,7%, giảm nhẹ so với mức 36,5% của cùng kỳ năm ngoái.
Còn nếu tính theo số liệu của VPSA, mức giảm trong xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc thậm chí còn mạnh hơn. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường này giảm tới 85% xuống 7.453 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh từ 33% xuống còn 5,3%.
Trung Quốc từ khách hàng tiêu thụ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 thì đến năm nay tụt xuống vị trí số 5.
Mặc dù vậy, nhiều khả năng Trung Quốc vẫn sẽ phải tăng cường nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam trở lại, do tình trạng sản lượng thấp do mất mùa tại vùng sản xuất chính và đầu cơ, găm hàng tại nội địa Trung Quốc. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cuối năm cho hồ tiêu Việt Nam.