Giá nông sản hôm nay (27/7) bất ngờ tăng mạnh trở lại trên sàn kỳ hạn. Trong đó Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng 11 USD lên mức 2.639 USD/tấn. |
Giá cà phê hôm nay tăng khởi sắc
Giá cà phê trong phiên giao dịch sáng nay bất ngờ tăng trở lại trên sàn kỳ hạn. Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London lấy lại đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 11 USD, lên mức 2.639 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 16 USD, đạt mức 4.480 USD/ tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 1.30 cent, lên 163.15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 1 cent, lên 163.20 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá nông sản hôm nay (27/7) cập nhật giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London. |
Giá nông sản hôm nay (27/7) cập nhật giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York. |
Nhận định về xu hướng giảm phiên vừa qua, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cho hay, giá cà phê giảm vào ngày khóa sổ vị thế kinh doanh, nhưng không mất nhiều so với những ngày tăng. Động thái giảm để điều chỉnh thị trường sau đợt tăng khá dài trước đó.
Bên cạnh việc kinh doanh qua lại giữa 2 sàn để tìm kiếm lợi nhuận qua giá chênh lệch, giới đầu cơ hàng hóa phái sinh cũng rất quan tâm đến giá trị của các tiền tệ mạnh và các yếu tố cung - cầu cơ bản để hiệu chỉnh dòng vốn đầu cơ một cách hiệu quả hơn. Giá cà phê tăng giảm thất thường không ngoài sự quan tâm đó.
Thị trường còn nguyên những yếu tố hỗ trợ, như nguồn cung Robusta thiếu, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn; tồn kho thấp. Dường như các quỹ và đầu cơ đã nhanh tay cấy lãi suất tiền tệ mới vào giá cả hàng hóa nói chung, giúp giá cà phê tăng.
Theo ước tính, đã có khoảng 83% vụ cà phê Robusta tại Brazil đã được thu hoạch, cùng mức với năm ngoái và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 89%. Trong khi đó, vụ thu hoạch cà phê Arabica đạt 58%, tăng nhẹ so với mức 57% cùng thời điểm năm 2022, nhưng thấp hơn mức trung bình 5 năm là 63%. Tuy đã có vài ngày mưa hôm đầu tháng nhưng các hoạt động thu hái đã sớm trở lại bình thường.
Liên minh châu Âu (EU) dự báo, nhập khẩu cà phê của các quốc gia trong khối này tăng 3 triệu bao lên 47,5 triệu bao và chiếm 40% lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp hàng đầu cho EU trong năm 2023 bao gồm Brazil (35%), Việt Nam (22%), Uganda (7%) và Honduras (6%). Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng 500.000 bao lên 13,1 triệu bao.
Mỹ tiếp tục đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu cà phê nhân với 26,5 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, tăng 2,5 triệu bao so với niên vụ trước. Các nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường này gồm Brazil (31%), Colombia (19%), Việt Nam (10%) và Guatemala (6%). Tồn kho cà phê tại Mỹ trong niên vụ 2023-2024 cũng được dự báo tăng 1,1 triệu bao lên 6,8 triệu bao.
Giá tiêu hôm nay chững lại chờ diễn biến mới
Giá tiêu hôm nay (27/7) tại thị trường trong nước chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Theo đó, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên được thương lái thu mua quanh mốc 66.500 – 67.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) đang được thương lái thu mua ở mức 66.500 đồng/kg. Giá tiêu Đắklắk hôm nay và giá tiêu tại Đắk Nông còn 67.500 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay cũng không có biến động. Hiện giá tiêu tại khu vực này đang được thu mua quanh mốc từ 68.000 – 69.500 đồng/kg.
Theo đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mốc 68.000 đồng/kg. Giá tiêu Bình Phước ở mức 68.500 đồng/kg. Giá tiêu Bà Rịa Vũng Tàu vẫn có giá cao nhất và hôm nay được thương lái thu mua ở mức 69.500 đồng/kg.
Giá nông sản hôm nay (27/7) giá tiêu hôm nay ít biến động, thị trường trầm lắng với tâm lý chờ đợi những thông tin từ nguồn cung. |
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.732 USD/tấn, tăng 0,13%; Giá tiêu trắng Muntok 6.462 USD/tấn, tăng 0,15%.
Với các quốc gia còn lại, giá tiêu đi ngang. Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.900 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.
Nhận định về thị trường tuần trước, bản tin mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho thấy, sau 5 tuần ổn định, giá tiêu Ấn Độ ghi nhận tăng. Mặc dù đồng Rupee Sri Lanka giảm 3% so với USD (322,78 LKR/USD) nhưng giá tiêu nội địa nước này vẫn tăng trong tuần qua.
Ở Đông Nam Á, giá tiêu giao dịch nội địa và xuất khẩu của Indonesia đều ổn định trong tuần qua.
Giá tiêu nội địa Malaysia tiếp tục tăng trong tuần qua do một phần tác động từ việc đồng Ringgit Malaysia tăng 2% so với USD (4.55 MYR/USD). Trong khi đó, giá tiêu xuất khẩu vẫn duy trì ổn định và không thay đổi.
Giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự ổn định và không thay đổi trong tuần qua do thị trường khá trầm lắng.
Theo dự kiến, thương mại thị trường Việt Nam cần khoảng 100.000 tấn hồ tiêu các loại để xuất khẩu trong 6 tháng còn lại của năm 2023. Các công ty xuất khẩu hồ tiêu cần phải nhập từ các nước thành viên Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) một lượng hàng đáng kể mới đáp ứng đủ cho nhu cầu này.
Theo Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, giá tiêu xuất khẩu giảm do nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu suy yếu. Áp lực từ USD tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất khiến hoạt động nhập khẩu tiêu của nhiều thị trường lao dốc. Hiện, xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc giảm 20-70% trong nhiều tháng qua.
Dự báo cuối năm, xuất khẩu hạt tiêu tiếp tục khó khăn do các thị trường lớn phục hồi chậm, lượng hàng tồn từ năm trước khiến các nhà nhập khẩu giảm thu mua hạt tiêu từ Việt Nam.
Giá nông sản hôm nay (27/7) bất ngờ tăng mạnh trở lại trên sàn kỳ hạn. Trong đó Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng 11 USD lên mức 2.639 USD/tấn. Cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng quay đầu tăng 1.30 cent, lên mức 163.15 cent/lb. Giá tiêu hôm nay đi ngang, duy trì ở mức 66.500 – 69.500 đồng/kg. Thị trường hồ tiêu trầm lắng với tâm lý chờ đợi những thông tin từ nguồn cung./.