Tiết lộ thông tin về điện thoại Xiaomi POCO X6 5G Biến điện thoại thành webcam máy tính Đà Nẵng: Tạm giữ 20 chiếc iPhone 15 Pro Max nhập lậu, trị giá 700 triệu đồng |
Báo cáo mới từ Counterpoint Research cho biết vào thời kỳ đỉnh cao năm 2017 thì thị trường smartphone toàn cầu đã có hơn 700 thương hiệu cạnh tranh khốc liệt với nhau.
Số lượng thương hiệu điện thoại di động giảm qua từng năm |
Tuy nhiên cho đến năm 2023 này thì số lượng thương hiệu vẫn đang hoạt động, nghĩa là được ghi nhận có doanh số bán ra, đã giảm 2/3 xuống còn gần 250 thương hiệu. Counterpoint đã theo dõi doanh số bán hàng của tất cả các thương hiệu ở hơn 70 quốc gia trọng điểm để đưa ra báo cáo này.
Hầu hết các thương hiệu bị đóng cửa đều đến từ các nhà sản xuất địa phương tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi và Nhật Bản. Các thương hiệu nổi tiếng không còn bán bao gồm Micromax, Intex, Karbonn từ Ấn Độ, BlackBerry từ Canada, LG của Hàn Quốc, Microsoft Lumia đến từ Mỹ, cũng như Meizu, Coolpad và Gionee từ Trung Quốc.
Thị trường smartphone toàn cầu đã trải qua những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của một số thương hiệu nhỏ hơn. Ghi nhận từ Counterpoint cho thấy, các yếu tố như dịch bệnh, chu kỳ thay thế dài hơn, thị trường tân trang ngày càng phát triển, các vấn đề về chuỗi cung ứng và thay đổi công nghệ đã đặt ra những thách thức lớn cho các công ty smartphone.
Trong ngành công nghiệp smartphone đang phát triển nhanh chóng thì các thương hiệu nhỏ đã phải rất chật vật để theo kịp các thương hiệu lớn ở nhiều mặt. Trong khi các thương hiệu lớn tiếp tục đầu tư vào R&D, sản xuất và xây dựng năng lực cạnh tranh thì các thương hiệu nhỏ lại chủ yếu phụ thuộc vào các thiết bị “nhãn trắng”, là các thiết bị được đặt hàng bên thứ 3 sản xuất sau đó được đóng logo thương hiệu lên.
Các thương hiệu nhỏ đã tận dụng rất tốt quá trình chuyển đổi của thị trường từ 2G sang 3G/4G, đặc biệt là nhu cầu mạnh mẽ đối với các thiết bị cấp thấp ở Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latinh. Tuy nhiên kể từ đó thì nhu cầu của người tiêu dùng đã cao hơn và cơ sở người dùng smartphone cũng đã dần trưởng thành. Do đó nhu cầu người dùng hiện nay thường tập trung nhiều hơn vào thông số kỹ thuật, thiết kế, giá trị thương hiệu và việc tích hợp hệ sinh thái.
Các thương hiệu địa phương còn phải đối phó với nhiều thách thức khác dẫn đến rút lui. Chẳng hạn, mọi người lười nâng cấp điện thoại hơn, thiết bị giá rẻ ngày càng cải thiện chất lượng, người dùng dịch chuyển từ 4G sang 5G, các “ông lớn” chiếm nhiều thị phần hơn.
Sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, OPPO và vivo cũng đã thúc đẩy cho sự suy thoái của các hãng nhỏ. Các thương hiệu Trung Quốc này đã mang đến những chiếc smartphone ngày càng tốt hơn cùng với mức giá hấp dẫn, mang lại cho khách hàng những giá trị tốt hơn so với số tiền họ bỏ ra.
Counterpoint dự đoán sẽ có nhiều cái tên khác phải giải thể theo thời gian, trao thêm quyền lực vào tay những "gã khổng lồ" thế giới. Tuy nhiên, các thương hiệu nhỏ tập trung vào một số mục đích sử dụng cụ thể, định hướng thiết kế độc đáo hoặc phân khúc khách hàng riêng như Sonim, DORO và Fairphone, vẫn có thể tồn tại bằng cách cung cấp các thiết bị thích hợp của họ với mức giá cao.
Một số tệp khách hàng và định hướng riêng mà các thương hiệu smartphone nhỏ thường nhắm tới có thể bao gồm thiết bị dành riêng cho người già và trẻ em, các thiết bị smartphone đề cao sự chắc chắn, thiết bị tập trung vào tối giản kỹ thuật số,…