Từ hiệu quả thực tiễn các chuyên gia và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nhận thấy, cần thiết phải kéo dài chương trình tín dụng cho hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Duy trì tín dụng cho hộ nông dân nghèo là cần thiết
Vốn chính sách: Hỗ trợ đắc lực và cần thiết
Gia đình ông Nguyễn Công Chính ở thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong nhiều hộ gia đình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và vươn lên thoát nghèo. Năm 2010, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo và được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng. Nguồn vốn này được gia đình đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi… và vươn lên cận nghèo rồi thoát nghèo vào cuối năm 2015. Đây chỉ là một trong gần 6 triệu hộ gia đình nghèo đã thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Nhờ có chính sách về tín dụng với hộ mới thoát nghèo (Quyết định 28) gia đình ông Chính tiếp tục được NHCSXH hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để trồng rừng và chăn nuôi.
“Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”, ông Chính cho biết.
Theo ông Tạ Ngọc Thảo - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo là hết sức cần thiết. Chính sách này đã hỗ trợ hộ mới thoát nghèo được tiếp tục vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã cho vay khoảng 12,2 nghìn hộ mới thoát nghèo với số tiền hơn 586 tỷ đồng. Nguồn vốn đã giải quyết được căn bản tình trạng tái nghèo sau khi thoát nghèo và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao.
Đại diện NHCSXH cho biết, sau 5 năm (2015 - 2020) triển khai chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, doanh số cho vay đạt 56.024 tỷ đồng với hơn 1,6 triệu lượt hộ được vay vốn, doanh số thu nợ là 18.630 tỷ đồng. Đến 30/6/2020, dư nợ chương trình đạt 37.378 tỷ đồng với 1,07 triệu hộ còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo đã giải quyết triệt để vòng luẩn quẩn “nghèo – vay vốn – thoát nghèo – trả vốn – tái nghèo”.
Cần duy trì tín dụng cho hộ mới thoát nghèo
Theo Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải, tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đáp ứng được nguyện vọng của người nghèo cả nước, góp phần giúp thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo. Tín dụng chính sách được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận là một trong những trụ cột quan trọng trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.
Vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế hộ gia đình
Tuy nhiên, theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, chương trình này chỉ được thực hiện giải ngân đến hết 31/12/2020. Bên cạnh đó, thời hạn cho vay tối đa 5 năm chưa phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng vật nuôi, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ của hộ vay khi đến hạn. Thời hạn cho vay hộ mới thoát nghèo cũng không “đồng bộ” với thời hạn cho vay của một số chương trình tín dụng chính sách khác.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình, tiếp nhận ý kiến của các Đoàn công tác, kiến nghị của hộ vay, cử tri và chính quyền các địa phương, NHNN đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. NHNN hiện cũng đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Theo dự thảo, tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo sẽ được tiếp tục triển khai từ 1/1/2021 và thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm. Như vậy, nội dung dự kiến thay đổi tại Quyết định số 28/QĐ-TTg không nhiều, chỉ thay đổi hai nội dung về thời hạn tiếp tục thực hiện chương trình (không ấn định thời điểm kết thúc) và thời hạn cho vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ mới thoát nghèo trong việc sử dụng vốn vay.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc tiếp tục thực hiện tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo sẽ tạo điều kiện cho các hộ mới thoát nghèo được tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, giúp thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ tái nghèo, tiếp tục góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và các Nghị quyết của Quốc hội về giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Việc điều chỉnh thời hạn cho vay tối đa 5 năm lên 10 năm sẽ phù hợp với chu kỳ sản xuất, phát triển của một số cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sinh trưởng dài như cây công nghiệp, đại gia súc... giúp nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như khả năng trả nợ của hộ vay khi đến hạn, giúp thoát nghèo bền vững, giảm nguy cơ tiếp cận với các hình thức “tín dụng đen”.
Theo ông Nguyễn Đức Hải – Phó Tổng giám đốc NHCSXH việc sửa đổi Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg mang tính nhân văn, có ý nghĩa thiết thực đối với hộ mới thoát nghèo, phù hợp với nguyện vọng cử tri cả nước; góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng chung của các chương trình tín dụng chính sách được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm cho NHCSXH và nhu cầu thực tế của các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, NHCSXH dự kiến bố trí vốn cho vay chương trình khoảng 62.280 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân khoảng 10,5%/năm, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Khánh An