Điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là không phù hợp
Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). |
Sáng 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật, tại Mục 5: Giải quyết tranh chấp tại tòa án, Khoản 2, Điều 70 về Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện, trong đó có điều kiện “Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài”.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc, đề nghị bỏ quy định này vì thực tiễn hiện nay cho thấy các giao dịch mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng rất phổ biến, quy định như dự thảo sẽ khiến các giao dịch trên 100 triệu đồng không được áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, ngay từ năm 2015 khi xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự đã rất phân vân đối với vấn đề giá trịnh giao dịch để áp dụng thủ tục rút gọn. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp là lớn hay nhỏ, là 100 triệu, 1 tỷ hay là 10 tỷ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng, trong rất nhiều trường hợp, có khi giá trị tranh chấp chỉ là vài triệu đồng nhưng tình tiết thì rất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên thì không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng và cho đến nay thì không thừa nhận nghĩa vụ đã cam kết thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp, mặc dù chỉ là vài triệu đồng. Nhưng ngược trở lại thì có những vụ án giá trị tranh chấp lên đến vài chục tỷ đồng nhưng các bên lập hợp đồng rất rõ ràng, chặt chẽ và mỗi lần giao hàng đều có biên bản giao, nhận đầy đủ thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.
Do đó, đại biểu cho rằng trong những vụ án liên quan đến nhu cầu tiêu dùng, tính chất thường sẽ đơn giản hơn mà dự thảo lại khống chế giá trị giao dịch không được vượt quá 100 triệu đồng thì chưa phù hợp với thực tế, chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của các luật, nghị quyết của về vấn đề này.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị bỏ điều kiện về giá trị giao dịch và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.
Bảo vệ chứ không khống chế quyền lợi người tiêu dùng
Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nhắc lại: “Vấn đề này tại kỳ họp thứ 4 tôi cũng đã phát biểu và tôi đề nghị Ban soạn thảo bỏ hẳn 100 triệu khống chế, nhưng cho tới giờ này thì Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại tiếp thu cả hai, có nghĩa là vừa áp dụng Điều 317 của Bộ luật Dân sự 2015 lại vừa đặt ra một cái mới và cái mới này thực ra ở tại Điều 41 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010”.
ĐBQH Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa |
Theo đại biểu, mục tiêu đặt ra trong bộ luật này đó chính là việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, có nghĩa là đi kiện thì phải nhanh và tất cả giải quyết theo thủ tục chung của pháp luật. Theo đại biểu, dự luật chỉ nêu là tất cả các vụ tranh chấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tòa án thụ lý, xét xử theo thủ tục rút gọn là đủ.
“Mình nghĩ là bảo vệ quyền cho người tiêu dùng nhưng thực ra lại là khống chế, đặt thêm một rào cản nữa trong khi theo Bộ luật Tố tụng dân sự, trên 100 triệu vẫn được xét xử theo thủ tục rút gọn", ông Thân nêu quan điểm.
Lý giải rõ hơn về thủ tục rút gọn, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình – ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, Bộ luật Dân sự quy định về thủ tục rút gọn tại Điều 37 trong đó các vụ kiện liên quan đến người tiêu dùng thỏa mãn các điều kiện của Điều 37 thì được áp dụng thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự cũng có Điều 36 nếu như các bộ luật khác quy định có thể áp dụng rút gọn thì trình tự, thủ tục rút gọn phải theo tố tụng dân sự. Như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự không cấm các bộ luật khác quy định trình tự rút gọn và mở đường cho các bộ luật khác có thể quy định thủ tục rút gọn.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình – ĐBQH tỉnh Bắc Giang |
Do đó, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đồng tình với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy và ĐBQH Lê Văn Thân, cho rằng nếu đưa thêm điều kiện “Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng” để áp dụng trình tự thủ tục rút gọn thực chất là hạn chế quyền của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị Ban soạn thảo tham khảo kinh nghiệm thế giới trong lĩnh vực này để giải quyết những vụ án có quy mô nhỏ. Ví dụ như luật của Đức không phải chỉ có Luật Bảo vệ người tiêu dùng mà tất cả các tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 Euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.
Điều 1. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết sẽ cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất, đặc biệt đối với Bộ luật Tố tụng dân sự về các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong các cụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.