Quy định giám sát hoạt động thanh tra bảo đảm khả thi, hiệu quả Đề xuất quy định xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ Đề xuất bỏ khung giá đất nhằm hoàn thiện cơ chế định giá đất |
Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Giá (sửa đổi) |
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 11/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Giá (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết cơ quan soạn thảo đã ghi nhận và tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Giá với 21 luật chuyên ngành có quy định về giá.
Đồng thời cơ bản thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, xử lý các vướng mắc, khắc phục những bất cập, tồn tại như lợi ích nhóm, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Giá rất khó vì tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân; quan hệ kinh tế và cung cầu của thị trường. Do đó, cần phải có đánh giá tác động cụ thể, nhiều chiều để giải quyết thấu đáo các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn luôn diễn biến phức tạp, khó lường...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương |
Về vấn đề cụ thể, đối với chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ cho Nhà nước định giá, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chỉ ra rằng, báo cáo của cơ quan soạn thảo chưa làm rõ được căn cứ xác định danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, chưa có dự thảo danh mục đi kèm để cung cấp kịp thời tới đại biểu Quốc hội. Do đó, đề nghị bổ sung dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá để đại biểu Quốc hội có căn cứ, cơ sở để biểu quyết thông qua luật.
Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, có 13/72 Điều giao Chính phủ quy định, trong khi đó có nhiều nội dung quan trọng cần phải được thể hiện trong luật.
Đại biểu nhấn mạnh, Hiến pháp đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Thực tế cho thấy, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến sự bình ổn của thị trường.
Đại biểu cho rằng các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cần được công khai, minh bạch và cần được quy định rõ trong luật để tránh sự tùy tiện trong việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các mặt hàng bình ổn giá.
Góp ý vào dự thảo, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, Điểm c, Khoản 2, Điều 7 dự thảo luật có quy định nội dung khủng hoảng kinh tế, thiên tai, bị hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và tạo điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban sản thảo làm rõ hoặc đưa vào văn bản hướng dẫn thi hành luật về hành vi bị nghiêm cấm trong việc lợi dụng chính sách của nhà nước. Vì quy định chung như trên rất khó xác định do lỗi không phải tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “cạnh tranh không lành mạnh” vào điểm b Khoản 2, Điều 7 như sau: Các hành vi thông đồng về giá, thẩm định giá dưới mọi hình thức để trục lợi cạnh tranh không lành mạnh.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông |
Về Điều 16 của dự thảo, đại biểu đề nghị Ban sản thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trường hợp nào là xin ý kiến của Hội đồng nhân dân, trường hợp nào giao cho Ủy ban nhân dân quyết định để đảm bảo cơ sở pháp lý khi áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, việc cho ý kiến cũng không quy định rõ theo phương thức nào, tại cuộc họp nào hay bằng văn bản. Nếu bằng văn bản thì dùng loại văn bản nào xác định rõ đối tượng cho ý kiến là toàn bộ chủ trương hay một phần nội dung.
Liên quan đến quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá trên địa bàn theo thẩm quyền, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể, rõ ràng hơn về phạm vi, tránh chồng chéo với các văn bản cấp trên. Đồng thời, đề nghị Ban sàn thảo cũng cần cân nhắc bổ sung thêm Khoản 12 quy định về các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật này và các văn bản khác pháp luật khác có liên quan nhằm đảm bảo đầy đủ nội dung, dễ dàng, linh hoạt áp dụng khi văn bản luật có hiệu lực trên thực tiễn, nhất là các trường hợp phát sinh.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc giới hạn lại đối tượng cần thực hiện kê khai giá theo hướng dẫn. Chỉ những tổ chức, những nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, đại lý cấp một, nhà phân phối độc quyền mới phải thực hiện kê khai giá, bỏ quy định kê khai giá đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.