Nhiều người xem đây như là thần dược để phòng thân trong cơn dịch bệnh. Vào Google, chỉ cần gõ từ khóa “bài thuốc phòng ngừa corona” là có hàng ngàn kết quả với nhiều bài thuốc dân gian. Các bài thuốc này thực sự có hiệu quả hay không?
Lan truyền nhiều nhất và được “bác sĩ Gu-Gồ” khẳng định “phòng cúm 100%” là “bài thuốc”: 5 cây sả, 1 nhánh gừng, 3 trái chanh bỏ đông đá, 2 - 3 lá dứa cho vào nồi nấu, để nguội pha với mật ong uống nhiều lần trong ngày. “Bác sĩ Gu-Gồ” khẳng định bài thuốc này là sự kết hợp đỉnh giữa các vị thuốc: sát khuẩn (mật ong), chống oxy hóa, giữ ấm cơ thể (gừng), thanh lọc cơ thể, chống nhiễm trùng (sả) và tăng cường sức đề kháng với vitamin C (chanh). Nhiều người đã thực hiện theo bài thuốc này, trong đó không ít người uống thay nước lọc.
Thật sự, bài thuốc này người xưa đã dùng, nhưng chỉ có công dụng cải thiện sức khỏe khi bị cảm lạnh, cảm mạo. Hiện nay, dịch viêm phổi cấp Covid-19 là do siêu virus gây ra nên không thể lấy bài thuốc này để phòng ngừa, càng không có công dụng trong điều trị Covid-19. Việc sử dụng bài thuốc dân gian trên một cách vô tội vạ cũng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ (nhiều người quan niệm bài thuốc dân gian không có hại). Vì dù là thảo dược nhưng cũng không nên dùng trong thời gian dài, nhất là khi không biết cơ thể mình thuộc thể nào: hàn, nhiệt ra sao...
Bên cạnh đó, trong bài thuốc trên có hướng dẫn dùng mật ong rừng, nhưng hiện nay mật ong rừng không dễ tìm. Trên thực tế, có rất nhiều loại mật ong được pha đường, hoặc ong không hút mật mà ăn đường. Do vậy, nếu người bệnh đái tháo đường hay tiền đái tháo đường mà uống hỗn hợp này, chẳng những không phòng được bệnh, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có một hệ lụy khác khi lan truyền các bài thuốc dân gian trên là khiến mọi người nhầm lẫn rằng thuốc này có công hiệu phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 nên không áp dụng hoặc lơ là các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu hiện nay: mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đám đông, khi tiếp xúc với người bị sốt, ho phải có sự phòng vệ...
Bài thuốc trên vẫn có thể dùng để cải thiện sức khỏe khi thời tiết giao mùa và giúp tăng cường sức đề kháng chỉ dùng trong thời gian nhất định theo chỉ định chứ không dùng nhiều, dùng trong thời gian dài ảnh hưởng đến sức khỏe, và cũng không được xem đây như là thần dược, bài thuốc chính thống phòng dịch corona.
Chanh: Thường dùng lá và quả.
Thành phần hóa học: Trong lá có tinh dầu 0,19%, tinh dầu này chứa terpen 20,5%, alcohol 13,2%, aldehyd 26% ester 23,8%, acid 2% và citropten 2%. Lá còn chứa coumarin, isopimpinellin, bergapten. Vỏ quả chứa glucosid của aureusidin. Dịch quả chứa acid citric, tinh dầu bay hơi chứa citral, limonen, linalol, linalyl acetat, terpineol và cymen. Vỏ cây chứa xanhthyletin. Vị thuốc chanh.
Chanh
Theo y học cổ truyền, chanh vị chua ngọt, tính bình; lá chanh có vị đắng the, mùi thơm, tính bình. Quả có vị chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt. Quy kinh vị, phế.
Công dụng: Lá chanh có tác dụng giải nhiệt, thông can khí, tiêu thũng, tán độc và hoạt huyết, khỏi ho, tiêu thực. Quả có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc chanh:
- Quả chanh được dùng làm thuốc giải nhiệt, giúp ăn ngon miệng, lợi tiêu hóa, chống bệnh scorbut; còn dùng làm thuốc long đờm, trị ho, trị nôn ra mật.
- Lá chanh được dùng làm gia vị và cũng được dùng làm thuốc trị sốt rét dai dẳng, cảm cúm, hen phế quản, ho gà và trị bệnh ngoài da, rắn cắn.
- Dịch lá tươi, phối hợp với dầu giun, rau sam, hòa vào nước đun sôi, rồi thêm dầu thông có tác dụng trị giun tốt. Dịch quả thêm mật ong dùng chữa tưa lưỡi. Dịch chanh còn là nguyên liệu để chế acid citric. Dùng ngoài, dịch chanh (nửa thìa cà phê) hòa với bột long não 1g và rễ bạch hoa xà giã nhỏ 10g, dùng bôi chữa hắc lào, lở chốc.
- Nước hãm lá dùng uống trị cảm mạo và giúp cho răng mọc tốt.
Lưu ý: Người bị loét dạ dày - tá tràng chưa ổn định, đa toan khôngdùng. Chanh có giá trị dinh dưỡng cao nhưng nên chế biến, hạn chế dùng dạng tươi sống.
Sả: Còn gọi là cỏ sả, sả chanh, lá sả, hương mao. Thuộc họ lúa - Poaceae. Ngoài ra, còn có sả Java hay sả xòe (Cymbopogon Winterianus Jowitt). Sả có mùi thơm, được trồng rộng rãi ở các vườn gia đình để lấy thân rễ làm gia vị. Lá sả có thể nấu nước để gội đầu. Ngoài ra, có thể chiết xuất cây sả để lấy chất tinh dầu citral và geraniol. Sả có vị cay, tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi, ấm bụng, giúp tiêu hóa, khỏi nôn, thông khí, sát trùng, khử uế, tiêu đờm... Thường được chỉ định dùng điều trị:
Thành phần hóa học: Thành phần chính trong tinh dầu sả là citral(3,7-đimêtyl-2,6-octađienal).
Sả
Y học cổ truyền thường dùng vị thuốc sả với công dụng trị:
- Đau đầu, đau bụng, tiêu chảy
- Có thể nấu phối hợp với hương nhu, húng chanh, bưởi... để xông giải cảm, sốt.
- Trị bệnh thấp khớp, xoa bóp các vết bầm dưới da, cầm máu; kinh nguyệt không đều, phù sau khi sinh.
- Trị ho do cảm lạnh, cảm cúm: Củ sả 40g, gừng tươi 40g. Hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 650ml nước, sôi khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường vào nấu cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày.
- Chanh, sả, mật ong là những thứ dễ tìm ở nước ta, đã được ghi nhận với nhiều tác dụng trị bệnh trong Y văn Y học cổ truyền, đều có công dụng trị cảm mạo (bệnh do thay đổi thời tiết, do yếu tố Phong Hàn Thấp xâm nhập gây ra bệnh, triệu chứng: sốt ít, sợ lạnh, nhức đầu, không có mồ hôi, ngạt mũi, chảy nước mũi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù; người, mình, các khớp xương nhức mỏi).
- Bài thuốc trên vẫn có thể dùng để cải thiện sức khoẻ khi thời tiết giao mùa, cảm mạo và giúp tăng cường sức đề kháng nhưng chỉ dùng trong thời gian nhất định, không dùng nhiều và kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và nên tư vấn, tham khảo các thầy thuốc đông y về tác dụng và hiệu quả các bài thuốc thảo dược, nên nhớ sức khỏe con người rất quý hãy trân trọng, giữ gìn và bảo vệ, góp phần nâng cao sức khỏe.
- Trị cảm sốt do phong hàn, nhức đầu, không ra mồ hôi: Lá sả, lá chanh, lá bưởi, hương nhu, húng chanh, bạc hà, ngải cứu, kinh giới… dùng 4 - 6g mỗi loại/ lần để nấu nước xông cho ra mồ hôi.
- Giải cảm:
Kinh giới, tía tô, trắc bách diệp, bạc hà, chanh, ngải cứu, lá tre, lá ổi (mỗi nồi dùng 5 loại lá)… đun sôi, dùng để xông giải cảm rất hiệu nghiệm.
15 - 30g củ sả hoặc lá tươi nấu nước xông.
Lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu, thêm 3 - 4 củ tỏi (thiếu 1 thứ cũng không được), nấu nước xông sẽ trị được nhức đầu (do thời tiết).
Lá sả, lá tre, lá bưởi (hoặc lá chanh), lá tía tô, lá ổi, nấu nước xông, trước khi xông nên múc sẵn một chén để riêng, xông xong uống rồi đắp chăn nằm một lúc sẽ đỡ.
Giảm cảm giác buồn nôn khi có thai: Củ sả băm nhỏ hãm với nước sôi uống hàng ngày.
- Giải nhiệt, thông tiểu, tiêu thực: Lá sả tươi 30 - 40g nấu với 1 lít nước, đun sôi khoảng 5 phút, uống.
Trị nhức đầu: Lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu với vài củ tỏi nấu nước xông.
Trị ho: Rễ sả, trần bì, sinh khương, tô tử, mỗi vị 250g (4 vị này giã nát, ngâm rượu 40oC vừa đủ để được 200ml); bách bộ bỏ lõi, thái nhỏ, sao khô 500g; mạch môn bỏ lõi 300g; tang bạch bì tẩm mật, sao vàng 200g (3 vị này sắc và cô đặc lại thành 300ml cao lỏng), trộn lẫn cao lỏng và rượu thuốc, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10ml.
Sạch răng miệng: Củ sả non rửa thật sạch, xắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô, tán bột, mỗi lần dùng 10g, ngâm với nước nóng, dùng để súc miệng.
Những lưu ý khi dùng cây sả:
- Do sả có tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi nên chỉ thích hợp dùng để trị các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra.
- Tính ấm và tác dụng làm ra mồ hôi của sả sẽ làm hao khí và tân dịch nên các trường hợp cơ thể hư nhược và các chứng bệnh do nhiệt gây ra như: cảm nhiệt hay cảm nắng chúng ta không nên dùng sả uống hoặc xông.
Mật ong: Tên khoa học là Mel; được tạo thành từ chất ngọt do ong thu thập được trong các bông hoa.
Thành phần hóa học:
Đường glucose và levulose (60-70%); saccarose (3 - 10%), mantose, oligosacarid.
Vitamin B2, PP, B6.
Men diastase, catalase, lipase.
Các acid hữu cơ: acid panthotenic, a.formic, tartric, citric, malic, oxalic…
Các chất khoáng và các nguyên tố vi lượng: Na, Ca, Fe, K, Mg, Cl, P, S, I, V, Bo, Cr, Cu, Zn, Pb, Li, Sn, Ti…
Các hormon, chất thơm, nước (18 - 20%)…
Albumin.
Vị thuốc mật ong theo y học cổ truyền. Tính vị: vị ngọt, tính bình. Qui kinh vào kinh tỳ, phế, đại trường. Liều dùng: 15 - 30g.
Công dụng: Mật ong bổ dưỡng tỳ vị, giúp tăng khẩu vị, sinh lực, dương huyết, chỉ khát. nhuận phế, trị các chứng ho mạn tính, ho ra máu. Thanh nhiệt độc, giải độc.Mật ongđược dùng để giải độc trong trường ngộ độc phụ tử, xuyên ô.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc mật ong.
- Bồi bổ cơ thể: Mật ong đánh kem với lòng đỏ trứng gà, ăn mỗi ngày 1 quả sẽ làm da dẻ hồng hào, cơ thể khỏe mạnh.
- Hồi phục sức lực sau khi ốm dậy: Mật ong trộn với bột tam thất ăn mỗi bữa một chén nhỏ có thể giúp mau phục hồi sinh lực.
- Bị cảm mạo: Uống một cốc nước chanh nóng có pha thêm 2 thìa mật ong.
- Trị ho: Một quả chanh tươi, khía kiểu múi khế ở ở lớp vỏ ngoài, sau đó cho một vài thìa cà phê mật ong cho ngấm đủ toàn bộ quả chanh trong một cái chén. Để khoảng 1 - 2 giờ sau đó cắt ra ngậm sẽ đỡ ho ngay.
- Chữa viêm loét dạ dày: Mật ong trộn với bột nghệ đen (thể hàn), nghệ vàng (thể nhiệt) có thể ăn liền trong 1 - 2 tháng.
- Tưa lưỡi trẻ em do nhiễm nấm Candida abicans: Dùng mật ong nguyên chất nhỏ 1 giọt vào miệng trẻ. Vị ngọt sẽ kích thích các đầu thần kinh vị giác ở lưỡi bé. Em bé sẽ đưa đi đưa lại lưỡi, đó là động tác tự làm sạch nấm Candida abicans ở lưỡi và miệng.
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư hàn (tiêu chảy) và hay đầy bụng, không nên dùng.
Theo Sức khỏe & Đời sống