Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của nhiều đại biểu về sự cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nhấn mạnh việc hình thành các tuyến đường này thì nó không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội |
Khẳng định ý nghĩa của các tuyến đường này khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước, thì những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020, nhưng do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét. Chính vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP.HCM đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai. Cho nên là khi tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này nó sẽ bị lãng phí. Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.
Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết thêm việc này sẽ khác so với việc thực hiện các dự án BT trước đây. BT trước đây là dạng đổi đất lấy hạ tầng, còn đây là thực hiện cơ chế thị trường để đấu thầu các dự án và đấu thầu các công trình xây dựng. Đại biểu cho rằng khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên |
Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện cần quản lý tốt đất đai dọc tuyến đường ngay từ khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, chờ dự án để đòi bồi thường hoặc xây dựng trên hành lang giao thông.
Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương có dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu khi đề án được phê duyệt.
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa phương nơi có tuyến đường đi qua để nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng dự án để đồng thuận ủng hộ cho việc giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Quan tâm thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ chuyển đổi nghề, phục hồi sinh kế để ổn định cuộc sống cho người dân đã giành đất cho dự án.
Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau |
Nhất trí với các đại biểu Quốc hội, trong phần tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng cần phải xây dựng các dự án đô thị, các khu công nghiệp ở tuyến kết nối dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Đại biểu nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công. Lâu nay do không đánh giá vấn đề này cho nên mất đi một nguồn lực quan trọng, đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án là xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp và cả những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô, thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường. Đại biểu nhấn mạnh, đầu tư công không có nghĩa là đầu tư miễn phí mà cần phải khai thác để thu về địa tô chênh lệch cho Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội |
Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phản ánh thực trạng quy hoạch và hình thái đô thị vùng Thủ đô và vùng TP. HCM đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân, 2 siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn giao thông hướng tâm, cấu trúc đô thị hút đầu tư, hút nguồn lực, hút dân di cư vào khu vực lõi.
Từ đây quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Các đô thị vệ tinh được quy hoạch đều chưa thể hình thành, bởi thiếu giao thông kết nối. Chính vì thế, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành.
Hai dự án này như những tiền đề quan trọng giúp 2 thành phố có thể tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại, có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.
Liên quan đến phát triển không gian mới, xung quanh các vành đai cao tốc, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistics, các cảng cạn ICD để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. HCM |
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, phải học tập kinh nghiệm các nước.
Phản ánh thực tế, đi từ TP.HCM lên Đà Lạt đường cao tốc đi 4 tiếng đồng hồ thì bây giờ có khi đi 7 tiếng, từ Sài Gòn lên Tây Nguyên có khi 6 tiếng, bây giờ là phải 8 tiếng. Các con đường cao tốc trở thành trung tốc và từ trung tốc xuống thành hạ tốc.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nguyên nhân của vấn đề là do khai thác quỹ đất không đúng cách. Ở nhiều quốc gia phải xây những bức tường trên các đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư, các đường cao tốc chỉ cho phép các trạm xăng và các điểm dừng chân ăn uống nhẹ, không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào các đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải tình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội |
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở 2 bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho nhà nước, phát triển bài bản, đúng quy hoạch có vai trò quan trọng của địa phương rất quan trọng. Do đó, đề nghị các địa phương cùng với giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội đối với việc khai thác, sử dụng hiệu quả đối với dọc tuyến của hai bên đường./.