Thu phí không dừng "nóng" nghị trường Quốc hội Xem xét xả trạm nếu không hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng Không thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022 |
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành một lần nữa khẳng định kiên quyết không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, nhất định hoàn thành trên toàn quốc trước ngày 31/7/2022 - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và các ngân hàng, các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC (thu phí điện tử không dừng).
Hơn 80% số trạm đã triển khai ETC
Báo cáo tiến độ triển khai thu phí không dừng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tổng số trên toàn quốc hiện nay cần triển khai 157 trạm với 915 làn thu phí.
Trong đó có 16 trạm với 98 làn được cho phép không triển khai hoặc lùi thời gian do một số nguyên nhân như: Thời gian thu phí còn lại ngắn, điều kiện triển khai thu phí không hiệu quả, người dân phản đối do vị trí đặt trạm chưa hợp lý...
Như vậy, còn lại 141 trạm/817 làn cần phải lắp hệ thống thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc.
Tới thời điểm hiện nay đã thực hiện thu phí không dừng tại 113/141 trạm (đạt 80,14%), với tổng cộng 603/817 làn (đạt 73,8%). Trong đó, Bộ GTVT có tất cả 66/66 trạm đã được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (đạt 100%). Tuy nhiên số làn được lắp mới chỉ đạt 342/380 làn (90%), còn lại 38 làn chưa lắp đặt, nằm tại 13 trạm và sẽ được bổ sung khi cần thiết.
Các địa phương có toàn bộ 47/47 trạm đều đã được lắp đặt ETC, nhưng số làn đã hoàn thành lắp đặt mới đạt 87,2% (246/282 làn). Còn lại 36 làn nằm ở 7 trạm chưa lắp đặt.
Đối với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), hiện mới lắp được 3/28 trạm (đạt 10,7%) với 15/155 làn cần phải lắp (đạt 9,7%), thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.
Như vậy, tổng cộng số làn còn phải lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trong thời gian tới là 214/817 làn (26,2%) tại 48 trạm. Trong đó: Bộ GTVT cần triển khai lắp đặt tại 38 làn (17,8%). Các địa phương cần lắp đặt 36 làn (16,8%). Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc cần phải lắp đặt thiết bị tại 140 làn chiếm 65,4%.
Phó Thủ tướng lắng nghe các doanh nghiêp phản ánh vướng mắc trong triển khai ETC - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Quyết tâm hoàn thành trước 31/7
"Đến 31/7/2022 toàn bộ các trạm thu phí sẽ được lắp đặt 100% làn thu phí không dừng, bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Lê Đình Thọ nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, sau 20 ngày triển khai thí điểm thực hiện thu phí điện tử không dừng 100% trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng diễn ra tương đổi thuận lợi, tình hình an ninh trật tự và ATGT tại trạm thu phí được bảo đảm, số lượng phương tiện dán thẻ tăng nhiều, nhanh. Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư dự án và nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục tập trung triển khai thí điểm làm tiền đề triển khai trên các tuyến cao tốc khác.
Về công tác dán thẻ, vừa qua, việc dán thẻ đã được 2 nhà cung cấp dịch vụ triển khai tốt, số lượng tăng nhanh, đặc biệt sau khi triển khai thí điểm chỉ thu phí không dừng 100% trên tuyến tuyến Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 3,1 triệu xe đã dán thẻ, chiếm khoảng 70% phương tiện trên toàn quốc). Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác dán thẻ phấn đấu đến tháng 9/2022 đạt mục tiêu 80%.Tại cuộc họp, các nhà đầu tư BOT đều khẳng định quyết tâm, cam kết sẽ hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng vào 31/7/2022.
Ông Trần Anh Tú, Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, khi thí điểm thu phí không dừng 100% trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6, đại đa số phương tiện chấp hành tốt, nghiêm túc, đây là tín hiệu rất tốt. "Trung bình 46.000 lượt xe/ngày, ngày cao điểm hơn 60.000 lượt xe/ngày".
"Qua triển khai cho thấy kinh nghiệm là cần phối hợp tốt với đơn vị dán thẻ, cảnh sát giao thông, thực hiện dán thẻ tại các nút giao trước khi vào cao tốc,... Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trung bình mỗi ngày có khoảng 1.600 xe vào đường cao tốc dán thẻ mới hoặc kích hoạt lần đầu tiên", ông Tú nói.
Tuy nhiên, thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp phương tiện chưa dán thẻ, hoặc số dư trong thẻ không đủ trả phí, do đó ông đề xuất triển khai việc trả sau.
Ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty VEC khẳng định, "làm ngày, làm đêm, cam kết đến 31/7 thì 150 làn sẽ được triển khai thu phí không dừng".
Theo đại diện Tập đoàn Đèo cả, hiện hơn 70% phương tiện đã dán thẻ nhưng thực tế chỉ khoảng 50% phương tiện sử dụng dịch vụ ETC, số còn lại sẽ đi vào làm thu phí thủ công, nguy cơ xảy ra ùn tắc rất cao. Từ đó, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Đèo Cả kiến nghị cần có các giải pháp mạnh để tăng số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ.
Một số ý kiến cho rằng, cần có chế tài để các phương tiện cơ giới khi lưu thông phải dán thẻ ETC, coi đây như một loại giấy tờ bắt buộc… Có ý kiến đề xuất tạo thêm tiện ích cho tài khoản giao thông như coi đây là một ví điện tử, có thể sử dụng được số tiền dư trong ví…
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trình bày về tiến độ triển khai ETC trên toàn quốc - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Kiên quyết không lùi tiến độ, ai chậm phải chịu trách nhiệm
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, thu phí điện tử không dừng ETC là hình thức rất văn minh, hiện đại, với rất nhiều ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích to lớn như làm giảm chi phí xã hội (tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, chi phí, nhân lực và bộ máy vận hành), từ đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân...
Việc triển khai thu phí điện tử không dừng là yêu cầu đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và nhiều văn bản chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo Chính phủ. "Do đó, chúng ta phải kiên quyết thực hiện".
Trong vòng 2 tháng, với quyết tâm cao, cả hệ thống từ Bộ GTVT, Bộ Công an, chủ đầu tư phối hợp với đơn vị lắp đặt thiết bị, các địa phương vào cuộc, nên bây giờ đạt được kết quả đáng mừng. Và với thực trạng đạt hơn 80% số trạm, 73% số làn đã lắp ETC và 72,5% số phương tiện đã dán thẻ, đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu đề ra. Khối lượng hiện nay chỉ còn 214/817 làn (26,2%) phải lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Phó Thủ tướng ghi nhận quyết tâm cao của các nhà đầu tư BOT, đặc biệt VEC là đến 31/7 hoàn thành hệ thống thu phí không dừng.
"Tính khả thi là có nhưng phải có nhiều giải pháp và quyết tâm rất cao thì mới thực hiện được", Phó Thủ tướng nói và ghi nhận, tại cuộc họp hôm nay, các bộ, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng, chủ đầu tư đều thống nhất cao, chậm nhất 31/7 là sử dụng thu phí không dừng tại tất cả các trạm.
Phó Thủ tướng một lần nữa khẳng định kiên quyết không lùi bất cứ mốc tiến độ nào, nhất định hoàn thành trên toàn quốc trước ngày 31/7/2022 (ngoại trừ 16 trạm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không triển khai). Sau thời hạn này, nếu trạm thu phí nào chưa hoàn thành sẽ phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Bộ GTVT, các địa phương, các chủ đầu tư, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chủ động tuyên truyền, phổ biến lợi ích của thu phí không dừng ETC cũng như các quy định liên quan để người dân biết, nắm rõ và đồng thuận thực hiện. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ dán thẻ, tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dán thẻ, mở tài khoản một cách thuận lợi nhất.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, giám sát việc lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí không dừng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lợi dụng gây rối mất an ninh trật tự tại khu vực thu phí...