Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới Làm hay hơn, tốt hơn, chuyên nghiệp hơn mạng xã hội - điều báo chí cần hướng tới |
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: "Báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam". |
Sáng 24/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí”.
Báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.
Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.
Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.
"Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình. Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của Nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn. Mối quan hệ biện chứng đa chiều trên, quan hệ báo chí và doanh nghiệp là quan hệ vừa phản biện vừa tương hỗ gắn bó", ông Lê Quốc Minh cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, ông Lê Quốc Minh đề cập nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch.
"Ở góc độ quản lý, trong suốt thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí nhưng tình trạng nhũng nhiễu với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, thậm chí cả người dẫn vẫn tiếp diễn. Gần đây có trường hợp cả chục lãnh đạo, nhân viên một cơ quan báo chí dính tới bê bối nhũng nhiễu doanh nghiệp và đây cũng không phải trường hợp duy nhất", ông Minh chỉ ra.
Chủ tịch Hội Nhà báo cho biết, theo phản ánh, trên thực tế các vụ việc tiêu cực thường xảy ra ở các cơ quan tạp chí không lớn, một số cơ quan tạp chí lập ra với nhiều "không" như: không trụ sở, không ngân sách, không hợp đồng lao động, không trả lương - sinh ra bộ phận phóng viên, người làm báo nhũng nhiễu doanh nghiệp để có thu nhập. Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp trong hoạt động còn chưa đúng, bị đụng vào thì rất sợ hoặc e ngại bị quấy nhiễu nên đáp ứng cho xong. Điều này dẫn tới tình trạng, một nhóm báo chí chuyên dọa dẫm doanh nghiệp có nguồn sống, ký sinh vào đó.
"Giống như trẻ em ăn xin, cho một đứa là sẽ có 30-40 đứa ùa ra xin. Chúng tôi không dung dưỡng cho những trường hợp như vậy. Chúng tôi đã xử phạt, rút giấy phép của nhiều cá nhân, cơ quan báo chí khi có hành vi vi phạm", ông Lê Quốc Minh nói.
Trong bối cảnh mới, thời buổi báo chí dữ liệu, Tổng biên tập báo Nhân dân cho rằng, cần xây dựng hệ thống giới thiệu sáng tạo, hiệu quả, đổi mới. Riêng báo Nhân dân có kế hoạch phối hợp với VCCI làm website riêng cho doanh nhân Việt Nam để giới thiệu tới cộng đồng hơn 1 triệu doanh nghiệp với kỳ vọng đưa ra những giải pháp, giúp doanh nghiệp phát triển. Cần có cách làm về người tốt - việc tốt theo hướng hấp dẫn và thu hút hơn so với báo chí truyền thống.
Theo đó, ông Minh nhấn mạnh, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau. Báo chí cần hỗ trợ DN, DN cần hỗ trợ, nuôi dưỡng báo chí. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Xây dựng mối quan hệ hợp tác minh bạch, lành mạnh
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo số liệu thống kê, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.
Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát song với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.
Do đó, ông Lâm nhấn mạnh rằng, báo chí trước, trong và sau này là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội; tham gia phục vụ xã hội, cung cấp thông tin và tri thức, đồng thời tham gia vào quy trình ra quyết định của cá nhân và tổ chức.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, với sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội đã mang đến nhiều lựa chọn khác cho việc quảng bá thương hiệu, lan tỏa thông tin, tuy nhiên, dòng thông tin chủ lưu vẫn là báo chí.
Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, ông Lâm nhận định, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.
Đồng thời, ông Lâm cho biết, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, báo chí đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có được mối quan hệ hợp tác minh bạch, lành mạnh với các cơ quan báo chí, không bị đặt vào tình thế khó xử vì các yêu cầu tài chính không cần thiết. Việc đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quá trình tác nghiệp sẽ giúp tạo dựng được niềm tin từ phía doanh nghiệp, đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả.
Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, phóng viên viết về kinh tế nên có kiến thức chuyên sâu về kinh tế. Bên cạnh việc sử dụng các phóng viên của mình nên sử dụng hệ thống chuyên gia thẩm định, phản biện,… Cùng với đó là tính minh bạch, xác thực thông tin về kinh tế trên tờ báo một cách khách quan, bởi chỉ cần một thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả vô cùng lớn cho doanh nghiệp.