Các cơ sở đào tạo báo chí đã làm gì và cần làm gì để chuẩn đầu ra của sinh viên đáp ứng được chuẩn đầu vào của các cơ quan báo chí. |
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đào tạo người làm báo hướng đến năng lực toàn diện, đa nhiệm, làm chủ được công nghệ
Thực tế hiện nay, số lượng người đón nhận tin tức trên nền tảng mạng xã hội (MXH), trang web và ứng dụng ngày càng tăng. Vì vậy, các tòa soạn phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, đồng thời, những người làm báo phải tìm cách tồn tại trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Điều đó đòi hỏi các nhà báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số phải chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, không chỉ viết các bài báo, chỉnh sửa video, đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội, theo dõi phân tích…, nhà báo còn phải chuẩn bị để viết về bất kỳ chủ đề nào, thể hiện đa dạng, sinh động và đăng tải tức thì.
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang. |
Trước thực tế này, ngoài chương trình đào tạo bài bản truyền thống với kỹ năng báo chí cơ bản, đa diện, Học viện xác định đào tạo người làm báo trong kỷ nguyên số cần thêm nhiều kỹ năng mới. Đó là đào tạo người làm báo hướng đến năng lực toàn diện, đa nhiệm, phải làm chủ được công nghệ, nắm bắt những cái mới. Nhà trường định hướng tập trung cải tiến nội dung chương trình đào tạo, cập nhật các môn học mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thực tiễn. Trong kỷ nguyên số hiện nay, nhà trường chú trọng đào tạo và hướng dẫn tự học về kỹ thuật, công nghệ, để làm chủ công nghệ và khai thác được các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT),… trong quản trị, sản xuất tin bài.
Ngoài ra, Học viện định hướng tiếp tục bám sát thực tiễn báo chí, vốn thay đổi từng ngày để có những điều chỉnh trong phương thức đào tạo, giảng dạy phù hợp.
Thạc sỹ Phạm Thanh Huyền, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông -Trường Cao đẳng Truyền hình: Tăng cường các tiết học thực tế
Trước những đòi hỏi ngày càng cao của các cơ quan báo chí, Trường Cao đẳng Truyền hình đã có những thay đổi trong công tác đào tạo để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, xung kích nhất
Trước hết là chương trình đào tạo, chúng tôi đã từng bước cập nhật đưa vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản của nhà báo để có thể tác nghiệp trong môi trường báo chí số và tác nghiệp đa phương tiện hiện nay. Chương trình môn học thì có sự cân bằng giữa khối kiến thức nền tảng, lý thuyết và kỹ năng thực hành.
Về tổ chức giảng dạy, chúng tôi tăng cường các tiết học thực tế thông qua hình thức mời các chuyên gia báo chí, những nhà báo giỏi tham gia giảng dạy hoặc đưa sinh viên đi thực tế thực hành các kỹ năng của môn học tại Đài Truyền hình Việt Nam và các tòa soạn báo.
Thạc sỹ Phạm Thanh Huyền. |
Nhà trường từ lâu vẫn duy trì mô hình đào tạo đưa tòa soạn đến giảng đường với các sân chơi nội bộ hấp dẫn thú vị như Truyền hình nội bộ, Phát thanh nội bộ, Tạp chí Sinh viên Truyền hình. Để đạt hiệu quả trong bối cảnh số hiện nay, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cải tiến quy trình sản xuất theo hướng số hóa để tiếp cận gần nhất tới thực tiễn.
Trong thời gian tới, trường Cao đẳng Truyền hình sẽ tiếp tục chuyển mình trong công tác đào tạo nhằm bắt nhịp nhanh hơn, trúng hơn nữa với nhu cầu của nghề báo trong chuyển đổi số.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng ban Báo Nhân dân điện tử: Hai yếu tố quyết định chất lượng đào tạo kỹ năng số
Nếu thời gian sinh viên học ở trường mà không đi kiến tập, không đi thực tập ở những đơn vị báo điện tử đang thực hiện chuyển đổi số thì rất khó nắm bắt kỹ năng số.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh. |
Để cải thiện chất lượng đào tạo kỹ năng số cho sinh viên, các cơ sở đào tạo cần tăng cường thời gian cho sinh viên đi thực tế tại các tờ báo điện tử đang đẩy mạnh chuyển đổi số thì sinh viên mới đáp ứng được yêu cầu.
Thứ hai, nhà trường phải bám sát cơ sở, đơn vị mà sinh viên tham gia thực tập, kiến tập và có những yêu cầu, đầu bài cụ thể với những tờ báo mình gửi sinh viên đến thực tập. Đây là hai yếu tố quyết định chất lượng đào tạo kỹ năng số.
Nhà báo Nguyễn Viết Hưng – Tổng biên tập Tạp chí Thương hiệu và Sản Phẩm: Cần hỗ trợ sinh viên phát triển năng lực số thông qua các hoạt động ngoại khóa
Có thể nhận thấy trong giai đoạn gần đây, đặc điểm của lĩnh vực Báo chí ở Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt. Sinh viên giờ đây không chỉ cần chuẩn bị cho mình hành trang phù hợp với những công việc cụ thể, đã được gọi tên tại cơ quan báo chí, mà còn cần sớm có nhận thức và hiểu biết về khái niệm về chuyển đổi số, kỹ năng số, năng lực số….
Nhà báo Nguyễn Viết Hưng. |
Các lứa sinh viên đến thực tập và học việc tại Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm cũng đã phần nào cho thấy sự thông thạo và nhanh nhạy hơn trong việc sử dụng các công cụ số (như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, mạng xã hội và các nền tảng ứng dụng, phần mềm). Tuy nhiên các em vẫn chưa có nhiều tư duy phản biện để đánh giá khối lượng thông tin khổng lồ trên cộng đồng số, chưa phân biệt được đâu là những thông tin thật, giả, thông tin tốt, xấu để làm tư liệu, làm chất dẫn. Qua đó có thể tư duy và phát triển thành đề tài báo chí, cũng như tận dụng công nghệ số trong việc thực hiện các tác phẩm báo chí.
Từ thực tế đó, các cơ sở đào tạo Ngành Báo chí nên chăng cần hỗ trợ sinh viên phát triển năng lực số thông qua các hoạt động ngoại khóa, các diễn đàn và cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về năng lực số, lan tỏa các thông điệp về tham gia môi trường số an toàn và tích cực.
Cần trang bị cho sinh viên những hiểu biết và kỹ năng cơ bản về thế giới số, cung cấp cho họ cái nhìn đa chiều, giúp họ xây dựng một hệ giá trị riêng dựa trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, khả năng thấu cảm và năng lực nghi ngờ hợp lý. Việc tự làm quen và nâng cao các kỹ năng số đó sẽ phục vụ cho việc học tập và phát triển sự nghiệp trọn đời của sinh viên.
Nhà báo Lê Thế Vinh – Phó Tổng biên tập Báo VietnamNet: Phải coi việc đào tạo kỹ năng số là vấn đề có tính chiến lược
Các cơ sở đào tạo sinh viên báo chí cần xác định mục tiêu, tầm quan trọng của phát triển năng lực số cho sinh viên trong thời đại công nghệ như hiện nay. Qua đó, đưa nội dung kỹ năng số, hiểu biết về mạng xã hội và tham gia trên môi trường mạng xã hội vào chương trình đào tạo, chương trình thực tế của trường để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan báo chí, các tập đoàn truyền thông.
Nhà báo Lê Thế Vinh. |
Phải có định hướng lồng ghép, bồi dưỡng cho sinh viên báo chí trong quá trình học tập, phải cho sinh viên cọ xát, thực hành, tham gia nhiều hơn từ năm thứ nhất trên môi trường số.
Phải coi việc đào tạo kỹ năng số này là vấn đề có tính chiến lược và truyền thông để sinh viên hiểu được rằng, nếu có kỹ năng số, nó sẽ là thế mạnh để khi ra trường dễ được các cơ quan tuyển dụng hơn.