Xử lý rác thải từ bệnh nhân COVID-19 theo quy định chất thải nguy hại |
Chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà có trách nhiệm trả lời các đại biểu quốc hội.
Rác thải từ bệnh nhân COVID-19 là chất thải nguy hại
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT về giải pháp để giải quyết hiệu quả việc xử lý rác, nhất là rác thải có chất lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.
Trả lời chất vấn câu hỏi trên đại biểu, Bộ trưởng nhấn mạnh: Rác thải từ bệnh nhân COVID-19 là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế.
Bộ Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn ngành tài nguyên môi trường hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom.
Bộ TN&MT đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành y tế thời gian qua.
Bộ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ TN&MT cũng đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. HCM trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý.
Cho đến nay, rác thải y tế của người bệnh ở nhà cũng phải coi là một nguồn lây bệnh để có quy trình phân loại, thu gom và xử lý theo hướng dẫn của địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần coi chất thải rắn là một loại tài nguyên để tái chế và sử dụng hiệu quả |
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, về mặt pháp luật, đến nay chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng với các nghị định hướng dẫn thực thi luật, các thông tư quy định về vấn đề này.
Cơ bản, pháp luật đã có đầy đủ, trong đó, quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Tài nguyên Môi trường làm gì, địa phương phải làm gì và hệ thống chính trị và người dân làm gì…
Về xử lý chất thải rắn, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, tới đây sẽ theo hướng thay đổi quan điểm thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang việc coi đây là một loại tài nguyên phải tái sử dụng, tái chế có hiệu quả.
Về công nghệ xử lý, trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, qua đó nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước hiện nay và sẽ công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lực chọn.
Nhưng công nghệ gì thì cũng sẽ theo hướng tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải biến thành năng lượng. Địa phương sẽ có hướng dẫn và sẽ lựa chọn để có cách thức xử lý phù hợp biến rác thành phân bón hoặc chuyển hóa thành, biogas, điện...
Cuối cùng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà điều quan trọng là phải phát huy được trách nhiệm của người dân, các cơ chế chính sách, các cơ chế tài chính và phải xã hội hóa được công việc xử lý chất thải.
Trong luật đã đề cập về vấn đề dịch vụ, trong đó cũng đã nói là các dịch vụ này hoàn toàn có thể tính toán một phần người dân đóng góp, một phần ban đầu là trách nhiệm của Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm để trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ, có các chính sách ưu tiên, ưu đãi.
Còn vấn đề nước thải hiện nay, quan điểm rất rõ là đối với các trung tâm xử lý nước thải, chất thải rắn, phải coi là các trung tâm dịch vụ công và nhà nước phải cung cấp mặt bằng.
Thông qua quy hoạch, chúng ta lựa chọn công nghệ và hình thành cơ chế đấu thầu, đấu giá như nào và phải có sự hỗ trợ ban đầu từ nhà nước để làm sao chi phí xử lý nước thải thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư.