Thông tin từ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thuộc đơn vị này vừa buộc tái xuất gần 1.100 container phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, số container phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng được 30 hãng tàu chở đến cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh vào năm 2018 nhưng không có người nhận.
Ngay sau đó, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã kiểm đếm, phân loại và xác định hàng ngàn container này không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, lực lượng chức năng đã ký thông báo gửi 30 hãng tàu buộc tái xuất 1.099 container.
Yêu cầu tái xuất loạt container phế liệu ra khỏi lãnh thổ
Cơ quan hải quan yêu cầu các hãng tàu trực tiếp vận chuyển hàng ngàn container phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và chịu mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc tái xuất. Thời gian thực hiện tái xuất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan hải quan.
Lực lượng chức năng cũng yêu cầu các hãng tàu tái xuất tại cửa khẩu đường biển nơi đang lưu trữ phế liệu tồn đọng. Ưu tiên tái xuất trước các lô hàng đã được phân loại là phế thải, chất thải; không sang hàng, đổi vỏ container (trừ trường hợp vỏ container bị hư hỏng, buộc phải đổi vỏ).
Với các doanh nghiệp từ chối nhận hàng, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm ở đây là hãng vận tải. Khi đã nhận chở hàng, hãng tàu phải biết rõ chở hàng gì, phế liệu thuộc danh mục cấm hay không, hãng tàu phải có trách nhiệm chở ra khỏi lãnh thổ VN. “Hiện chúng tôi đang phân loại và xử lý theo hướng đó. Với các doanh nghiệp vi phạm, các cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ và sẽ tiếp tục khởi tố một số doanh nghiệp. Khi đã khởi tố thì trách nhiệm liên quan đến hãng tàu, doanh nghiệp đều có liên đới”, ông Đinh Ngọc Thắng kiên quyết.
Dẫn Công ước Basel 1989 liên quan hàng hải quốc tế, quy định cấm vận chuyển chất thải nguy hiểm xuyên biên giới, ông Đinh Ngọc Thắng cho rằng các cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để buộc các hãng tàu tái xuất rác thải phế liệu ra khỏi VN.
Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An cho biết thêm, với các doanh nghiệp từ chối nhận phế liệu mặc dù trước đó họ từng nhập thì có thể buộc trách nhiệm đối với chủ hàng (đơn vị gửi và cả đơn vị nhận) trong việc tiêu hủy hay tái xuất. Bắt buộc chủ hàng đứng tên trên vận đơn phải chứng minh hàng hóa được gửi không đúng như hợp đồng thương mại theo Thông tư 38/2015. Cần lục lại trong hồ sơ xin giấy xác nhận đủ điều kiện môi trường do Bộ TN-MT cấp để xem hợp đồng thương mại của DN này trong hồ sơ lưu thế nào.
Linh Anh