Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 31/10. Ảnh: Phạm Đông |
Sáng 31/10, nêu ý kiến thảo luận tổ về tổ chức chính quyền đô thị TP Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết nhiều đại biểu băn khoăn liên quan cơ chế chính quyền đô thị thế nào, cơ chế bộ máy quản lý nhà nước thế nào làm sao cho hiệu lực, hiệu quả.
Không tinh gọn bộ máy không phát triển được
Phát biểu tại thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chủ trương thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư có quá trình chuẩn bị từ rất lâu và "Huế xứng đáng", song lên thành phố thì cần giai đoạn quá độ. "Chúng ta hy vọng thời gian đó không quá dài", Tổng Bí thư nói.
Với tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng, Tổng Bí thư cho biết nhiều đại biểu băn khoăn liên quan cơ chế chính quyền đô thị thế nào? Cơ chế bộ máy quản lý Nhà nước thế nào làm sao cho hiệu lực, hiệu quả?...
Ông lưu ý, đây là vấn đề rất lớn và đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; không hình thức mà phải đúng thực chất.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, tinh gọn. Hiện nay mới sáp nhập từ dưới lên như xã, huyện còn tỉnh chưa làm; mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương chưa làm.
"Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn", Tổng Bí thư nói, đồng thời nhấn mạnh, tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. "Không tinh gọn bộ máy không phát triển được", Tổng Bí thư khẳng định.
Dẫn chứng ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, Tổng Bí thư cho rằng nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
"Đất nước muốn phát triển được, muốn làm dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì còn đâu tiền nữa. Còn 30% thì tiền đâu để đầu tư quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong khi các nước khác chi hơn 40%. Ít nhất chúng ta phải có trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội.... Vô cùng sốt ruột", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng nêu việc vì sao không thể tăng lương? Theo ông, tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80-90% chi ngân sách, sẽ không còn tiền để đầu tư các hoạt động khác.
"Cứ hứa hẹn năm 2025-2026 tăng lương nhưng áp lực khó khăn lắm, cần nhìn rất thực chất. Tinh gọn bộ máy, tiếp tục giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để giành nguồn lực đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển", Tổng Bí thư nêu.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ - Ảnh: Gia Hân |
Phải tăng năng suất lao động
Cho rằng một trong những chỉ tiêu chúng ta không đạt được trong nhiệm kỳ này là vấn đề năng suất lao động, Tổng Bí thư cho biết, kinh tế có phát triển lên nhưng năng suất lao động thực tế, chỉ số phát triển đang giảm. Năng suất lao động giảm không thể phát triển kinh tế, phát triển xã hội được. Cần thẳng thắn nhìn nhận vào để đánh giá cho chính xác.
Chỉ số về tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Giai đoạn 2021-2025 ước khoảng 4,8%, nếu so với giai đoạn 2016-2018 thì chúng ta được 6,1%. Mục tiêu giai đoạn này là 6,8% thì nguy cơ cao không đạt.
"Muốn năng suất lao động thì phải có tay nghề lao động và ít người làm một việc, phải có hàm lượng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt. Đã ít rồi mà năng suất lao động thấp thì không phát triển được. Phải khuyến khích để năng suất lao động cao so với các nước xung quanh... 40 năm qua chúng ta đã có phát triển thành tựu vĩ đại nhưng so với mức phát triển các nước xung quanh chưa đạt. So với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, chúng ta thua rất xa...", Tổng Bí thư thẳng thắn chia sẻ.
Theo Tổng Bí thư, chúng ta tăng trưởng có dựa vào một số yếu tố đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu. Nền kinh tế muốn phát triển bền vững phải dựa vào "những cái của ta, tự lực, tự chủ, tự cường là chính, còn đi vay mượn những chỗ khác về không thực chất".
Vì vậy, không có con đường nào khác là tăng năng suất lao động, huy động mọi người đều tham gia vào sản xuất, kinh doanh. Người làm phải nhiều người hơn người hưởng thụ. Chúng ta đã sắp đến thời kỳ chạm đến dân số già, sẽ vô cùng khó khăn.
Kỷ nguyên mới phải bứt tốc với mục tiêu đến 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Nếu với tốc độ hiện nay, nhiều khả năng không hoàn thành, còn 20 năm nữa, quy mô nền kinh tế phải gấp 3 lần bây giờ, thu nhập bình quân đầu người phải gấp 3 lần mới đạt mục tiêu. Đây là những việc Trung ương phải bàn, phải thấy rõ những khó khăn để tránh xa, vượt lên để phát triển.