Toàn cảnh Phiên họp thứ hai Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. |
Chiều ngày 31/3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Phiên họp thứ hai Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết, tại Phiên họp thứ 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực của Thường trực Đoàn giám sát, các thành viên Đoàn giám sát và Tổ giúp việc trong triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát thời gian vừa qua, đồng thời yêu cầu Đoàn giám sát cần bám sát đề cương, phản ánh toàn diện, có trọng tâm trọng điểm về việc thực hành chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tính toán nội dung có liên quan trên 5 lĩnh vực trọng điểm mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại Phiên họp trước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn Giám sát tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện kế hoạch, lưu ý nghiên cứu chọn các địa phương giám sát để bảo đảm tính phổ quát, tính đại diện của công tác giám sát; tập trung lựa chọn giám sát những vấn đề nóng, trọng tâm, được dư luận quan tâm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.
Cần có danh mục cụ thể chỉ rõ những thất thoát, lãng phí, lượng hóa tối đa bằng số liệu để đánh giá chính xác các lĩnh vực giám sát; chuẩn bị những nội dung cụ thể, yêu cầu từng địa phương báo cáo khi làm việc trực tiếp; phân công rõ các tổ công tác, thành viên đoàn; làm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm việc một số bộ, ngành đến nay vẫn chưa báo cáo, báo cáo không đầy đủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định khối lượng công việc lớn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao của các thành viên Đoàn giám sát, đồng thời đề nghị Đoàn giám sát bám sát luật gốc là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu hoàn thành tốt các nội dung chung và riêng theo phân công.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Kế hoạch giám sát, khảo sát một số Bộ, ngành và địa phương. |
Trình bày Kế hoạch giám sát, khảo sát một số Bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, mục đích của các cuộc giám sát là nhằm tìm hiểu thực tế việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, Đoàn giám sát tập trung làm rõ: Tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, phù hợp, hiệu quả, hiệu lực, khả thi trong việc ban hành chính sách, pháp luật; Các kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mức độ đạt được mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu; lượng hóa tối đa số liệu, giá trị tiết kiệm, thất thoát, lãng phí của bộ, ngành, địa phương; Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm gây thất thoát, lãng phí.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nêu rõ, nội dung giám sát bám sát các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2020 và hằng năm; các yêu cầu đã đề ra tại Kế hoạch số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021 của Đoàn giám sát.
Xác định số lượng các địa phương giám sát để bảo đảm tính phổ quát, tính đại diện trong chuyên đề giám sát này; tập trung lựa chọn giám sát những vấn đề nóng, trọng tâm được dư luận quan tâm, như: lãng phí đất đai, đất hoang hóa, đất sai phạm, các dự án treo, lãng phí tài sản công; có danh mục cụ thể chỉ rõ những thất thoát, lãng phí, lượng hóa tối đa bằng số liệu để có nhận định, đánh giá chính xác tất cả các lĩnh vực, nội dung giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị bổ sung nội dung giám sát về việc chi cho sự nghiệp khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường. |
Về đối tượng làm việc, giám sát, khảo sát, dự kiến Đoàn giám sát sẽ tổ chức Đoàn công tác làm việc và giám sát các cơ quan trung ương, gồm: Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng dự kiến làm việc và giám sát các địa phương gồm: TP.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An. Ngoài ra, Đoàn giám sát dự kiến tổ chức khảo sát chuyên đề tại các địa phương như Ninh Bình, Thanh Hóa, Đắc Lắc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu đánh giá kế hoạch giám sát đã được chuẩn bị tương đối toàn diện, bám sát Đề cương báo cáo mà Đoàn giám sát đã đề ra, thể hiện đúng tinh thần của Kết luận tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung xem xét báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, thống kê, giám sát các dự án treo và việc xử lý, thu hồi đất đai của các dự án này. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bổ sung nội dung giám sát về việc chi cho sự nghiệp khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, xem xét kỹ tính ứng dụng, tính thiết thực, lợi ích thực tế của các đề tài khoa học ở các bộ, ngành, địa phương.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng Đoàn giám sát cần chủ động đưa ra yêu cầu rõ ràng cho các ban, ngành, địa phương về các nội dung cần báo cáo, làm rõ. |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng một số đại biểu cho rằng Đoàn giám sát cần nâng cao tính chủ động, đưa ra yêu cầu rõ ràng cho các ban, ngành, địa phương về các nội dung quan trọng, những vấn đề nóng cần báo cáo, làm rõ. Việc giám sát tại các ban, ngành, địa phương cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, có sự chuẩn bị kỹ càng.
Một số đại biểu cho rằng cần nâng cao vai trò của các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xác định các vấn đề quan trọng tại địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan báo chí, truyền thông cần bám sát diễn tiến giám sát, vào cuộc sớm, đưa thông tin một cách trách nhiệm và trung thực, qua đó vận dụng sức mạnh truyền thông để nâng cao hiệu lực giám sát.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng cần xác định rõ mục tiêu bao trùm của việc giám sát là là chỉ rõ lãng phí bao nhiêu, ở đâu, do nguyên nhân gì, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục, hoàn thiện thể chế, chấn chỉnh công tác điều hành bằng kỷ luật, kỷ cương.
Các đại biểu cho rằng cần giám sát có điểm nhấn, tập trung vào các lĩnh vực như tài chính công, tài sản công, việc sử dụng thời gian lao động trong khu vực công… đồng thời, cần lượng hóa tối đa, cần có sự phối hợp của Tổng cục thống kê trong cung cấp số liệu, dữ liệu và xác nhận tính chính xác của dữ liệu để có nhận định xác thực nhất về nội dung giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên họp. |
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, sâu sắc và xác đáng của các đại biểu, đồng thời đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nội dung giám sát cần bám sát các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật liên quan trên 05 lĩnh vực trọng điểm mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các thành viên Đoàn giám sát cần quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, phạm vi giám sát tối cao của Quốc hội, từ đó có đánh giá, nhận định khách quan, xác thực, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, dựa trên các vụ việc cụ thể để nhìn ra vấn đề vĩ mô, đưa ra kiến nghị đề xuất trên tinh thần quản lý quốc gia, quản trị xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, căn cứ vào kế hoạch giám sát và sự phân công, chủ động chuẩn bị nội dung giám sát để hỏi và thảo luận tại các phiên làm việc, nghiên cứu độc lập kết hợp cùng với làm việc thực tế với các cơ quan, đơn vị để có được dữ liệu, số liệu; cập nhật tình hình, nhận định, đánh giá một cách chính xác, làm rõ trách nhiệm ở một số lĩnh vực, vụ việc cụ thể; kiến nghị rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong hệ thống pháp luật, khoặc những điểm cần khắc phục trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; qua đó hoàn thành tốt các nội dung chung và riêng theo kế hoạch phân công đã đề ra.