Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021. Ảnh VGP |
Chiều 6/9, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 8/2021, thảo luận về tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021, tình hình KT-XH năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2012-2024; dự án luật sửa đổi bổ sung 10 luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19 và một số nội dung quan trọng khác.
Tình hình kinh tế-xã hội cả nước vẫn ổn định
Thông tin về cuộc họp Chính phủ ngày 6/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tình hình kinh tế-xã hội cả nước vẫn ổn định.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự quyết tâm, đồng lòng, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, trong 8 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
CPI tháng Tám tăng 0,25% so với tháng Bảy; bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Thu ngân sách cả nước mặc dù trong những tháng gần đây có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh nhưng tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Điều này góp phần bảo đảm các nhiệm vụ chi, nhất là cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân.
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; an ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 5,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2%; trong đó, xuất khẩu tăng 21,2%. Thị trường trong nước được chú trọng; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt có chiều hướng phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: TTXVN |
Vốn FDI thực hiện đạt hơn 11,58 tỷ USD, tăng 2%. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh và nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, hành chính, dịch vụ... Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chính phủ cũng sắp ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, dù so với mong muốn và yêu cầu chưa đáp ứng được. Đến nay, cả nước đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền hơn 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ. Cùng đó, xuất cấp 134 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; triển khai 2 triệu túi an sinh xã hội. Các địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, Thủ tướng yêu cầu, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9, Thủ tướng nói “đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”."
Trong lúc còn khan hiếm vacicne, chưa bao phủ được vaccine thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội. Phải tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nhân dân chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng, tích cực tham gia. Còn chống dịch là quan trọng, cần thiết, đột phá, phải tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt.
Thủ tướng yêu cầu, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. |
Xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng đồng thời, điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho hạ tầng cứng và mềm; nơi nào không giải ngân được, không có dự án thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt. Sắp tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 40% để có giải pháp phù hợp.
Cùng với đó, các bộ, ngành có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh việc có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đồng thời, cơ quan chức năng khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh sau khi được ban hành; tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Các cấp, các ngành chủ động tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc xuất hiện từ tình hình dịch bệnh cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu huy động các quỹ để chăm lo an sinh xã hội
Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng đã yêu cầu các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản; chú trọng nâng cao năng lực lưu trữ, bảo quản nông sản, nhất là công nghệ sau thu hoạch.
Cùng với đó, bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi, không để gián đoạn sản xuất; duy trì, tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn.
Các ngành chức năng làm tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, rà soát, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, nghiên cứu huy động các quỹ để tham gia nhiệm vụ chăm lo an sinh xã hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính cho biết, Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ trong triển khai, tổ chức năm học mới phù hợp; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước; tổ chức dạy và học qua truyền hình. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu dứt khoát để các em học sinh được tiếp cận bình đẳng với giáo dục, nghiên cứu, phát động phong trào ủng hộ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất. Bảo đảm vững chắc quốc phòng; chuẩn bị sẵn sàng phương án bổ sung lực lượng để tăng cường cho công tác phòng, chống dịch và cứu trợ, cứu nạn, khắc phục thiên tai trong điều kiện dịch bệnh.