Giá dừa biến động như giá vàng. |
Thông tin được ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin trọng tâm của ngành công thương TP HCM quý II/2024 diễn ra ngày 3/5.
Giá dừa biến động như giá vàng
Theo ông Tùng, nắng nóng kéo dài, có thời điểm lên 40 độ C đã khiến việc thu mua nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Giá dừa tươi - loại nước giải khát được ưa thích mùa nắng nóng - đang tăng lên 130.000 đồng một chục, cao gấp 4 lần so với trước đó. Không chỉ giá cao, chúng còn biến động mạnh trong ngày khi buổi sáng báo giá khác, chiều đã cao hơn. Do đó, các doanh nghiệp, thương lái phải cạnh tranh nhau để thu mua mới có nguyên liệu.
"Giá dừa biến động như giá vàng", ông Tùng nói. Theo ông, các doanh nghiệp phải có những chính sách dành cho người trồng như cam kết thu mua trong cả thời gian thấp điểm, hỗ trợ tài chính... để giữ được nguồn nguyên liệu.
Tại TP.HCM, gần đây, giá nhiều loại trái cây, nhất là trái cây giải nhiệt như dừa tươi tăng cao.
Giá dừa bán lẻ hiện dao động 15.000 - 30.000 đồng một trái, tùy loại và tùy điểm bán, tức 150.000-300.000 đồng một chục. Nhiều vựa kinh doanh cho biết dù giá cao nhưng sức mua vẫn rất tốt do nắng nóng và nguồn hàng thiếu hụt.
Nguyên nhân khiến giá dừa tăng vọt, theo các doanh nghiệp do vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu dùng nước dừa giải khát tăng cao, trong khi năng suất dừa thấp hơn mùa mưa và cùng kỳ.
Cũng theo ông Tùng, không chỉ dừa tươi mà giá thu mua bưởi cũng biến động mạnh theo thị trường xuất khẩu. Rất may, ngành rau quả là ngành đặc thù, càng khó khăn thì càng ghi nhận thành tựu.
4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4-2024, con số này ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với tháng 4 năm trước.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, thời gian tới tình hình xuất khẩu mặt hàng này sẽ nhiều thách thức, vì từ tháng 7 đến tháng 9 là cao điểm tăng giá của các loại trái cây, rau củ. Nếu nguồn hàng vẫn bị khan hiếm và giá cao như hiện nay thì hàng xuất khẩu của Việt Nam buộc phải tăng giá theo trong khi hàng chất lượng cao cũng ít đi.
Tăng gấp đôi quy mô Hội chợ Hàng Việt Nam xuất khẩu
Toàn cảnh Họp báo. |
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu chính thức quay trở lại từ ngày 8 đến 11-5 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), hứa hẹn là đòn bẩy mạnh mẽ để các ngành hàng xuất khẩu bứt phá về đơn hàng và doanh thu.
Năm nay triển lãm mở rộng gấp đôi về quy mô so với năm ngoái, với 450 gian hàng. Theo đó, hội chợ thu hút 400 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hàng đầu của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu mua hàng đa dạng của các nhà mua hàng quốc tế. Công tác quảng bá quốc tế được đẩy mạnh, giúp gia tăng độ hiện diện của hội chợ đến với người mua hàng trong và ngoài nước.
Đến nay, đã có 430 doanh nghiệp đăng ký gian hàng cho thấy hội chợ được đón nhận và nhu cầu mở rộng thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu rất lớn. Với tình hình hiện nay, hội chợ dự kiến thu hút khoảng 20.000 khách tham quan, nhà mua hàng, trong đó hơn 80% là các nhà nhập khẩu, chuỗi bán lẻ tại các thị trường lớn Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Riêng hai đoàn doanh nghiệp Nga và Ấn Độ số lượng đông hơn và sẽ có những buổi kết nối doanh nghiệp trực tiếp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, điện tử, nông sản.