Giải thích về việc này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài. Đại diện EVN trả lời trên báo chí rằng: "Đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao. Đó là chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao nên tiền điện tăng".
Dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6/2020 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cách tính giá điện theo bậc thang hiện nay là nguyên nhân khiến hóa đơn điện tăng cao. Biểu giá điện sinh hoạt có 6 bậc thang, lũy tiến từ nhiều năm đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng.
Cách tính điện này nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện nhưng nó lại gây ra tâm lý ức chế bởi vấn đề này ngược với logic "càng mua nhiều càng rẻ". Điều này khiến cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.
Theo ông Long, dự kiến kỳ hóa đơn tháng 6/2020 chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. "Số tiền điện tháng 6 sẽ gấp 4-5 lần so với tháng trước bởi nhu cầu dùng điện nhiều hơn", ông Long nói.
Ông Long cho rằng, biểu giá điện bán lẻ tiêu dùng hiện nay là bất hợp lý, chỉ có lợi cho EVN, không có lợi cho người tiêu dùng. Do đó, cần phải xem xét, xây dựng lại biểu giá điện.
Khánh Huyền