Theo Sở NN&PTNT Nam Định, mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế nhưng chăn nuôi lợn 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc tái đàn do nguồn giống khan hiếm, giá con giống cao.
Đàn lợn 6 tháng đầu năm ước đạt 632,3 nghìn con, tăng 20,4% (tăng 107,1 nghìn con); sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 79,2 ngàn tấn, tăng 0,6% (tăng 499 tấn).
Nam Định đã tái đàn được trên 600 nghìn con lợn
Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá. Đàn gia cầm ước đạt 8,36 triệu con, tăng 4,9%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 14.790 tấn, tăng 7,8%; trứng gia cầm ước đạt 193 triệu quả, tăng 7,1% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Đàn trâu, bò ước đạt 37.445 con, tương đương cùng kỳ năm 2019; sản lượng thịt trâu, bò ước đạt 2.260 tấn, tăng 0,45% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Sở NN&PTNT Nam Định cho biết thêm, do ảnh hưởng của bệnh Covid-19 nên tiến độ tiêm phòng triển khai chậm so với kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm đến nay, ngành thú y Nam Định đã triển khai lấy 50 mẫu bệnh phẩm lợn để tiến hành giám sát các bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Dịch tả lợn cổ điển và Tai xanh ở lợn. Kết quả, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có 1/50 mẫu dương tính.
Thời gian tới, ngành thú y Nam Định sẽ tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi nhất là việc tái đàn.
Giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ; tập trung phát triển chăn nuôi trang trại ở các vùng quy hoạch; khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi sinh thái không mùi và áp dụng công nghệ chăn nuôi chuồng kín…
Bài học rút ra trong quá trình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh
Như Thương hiệu & Sản phẩm đã thông tin, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, bài học rút ra trong quá trình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nếu làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý, khắc phục để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Do đó, hiện nay các địa phương đang được khuyến khích tăng đàn, tái đàn, song quan điểm của Bộ NN&PTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn, bởi thực tế mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại rất lớn.
Ngoài ra, cần tục vận động, tuyên truyền người dân thay đổi dần thói quen theo hướng giảm cơ cấu thịt lợn, tăng thịt gia cầm và thủy sản.
Minh Nhật