![]() |
GS.TS Nguyễn Quang Thạch – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giới thiệu một số kết quả nghiên cứu mới về cây Sacha inchi (plukenetia volubilis L) tại một số tỉnh Nam Bộ |
Sachi - giàu Omega 3,6,9
Sacha inchi (Plukentia volubilus L) còn được gọi là: Inca inchi, Inca nut, sacha peanut, moution Peanut, lạc núi, đậu núi..
Sachi được tìm thấy từ các khu rừng nhiệt đới Amazon bao gồm các nước Peru, Colombia,Venezuela, Brazil và đã được người dân bản địa sử dụng từ thời xa xưa.
Sachi nằm trong danh sách siêu thực phẩm được lựa chọn hàng đầu của người nổi tiếng. “Siêu thực phẩm” - thực phẩm với hàm lượng đặc biệt cao, các vitamin, khoáng chất, các chất chống oxi hóa và các hoạt chất sinh học khác có lợi cho sức khỏe.
![]() |
Thành phần hóa học của hạt Sachi |
Sachi là một loài dây leo, đa niên, lá có lông tơ, dây có thể mọc vươn cao tới 2 mét (6' 6"), lá hình tim, rìa có răng cưa, mọc so le. Lá dài 10–12 cm (4"-4,7"), rộng 8–10 cm (3,1-3,9"), cuống khoảng 2–6 cm (0,8-2,3"). Trồng sachi chỉ sau 3-5 tháng cây đã cho ra hoa và sau 6-8 tháng trồng cây đã cho ra quả.
Hoa ra theo chùm, mỗi chùm hoa chỉ có một hoa cái và rất nhiều hoa đực, hoa đực nhỏ li ti màu trắng mọc thành chùm dài. Hoa cái mọc ở cuống chum, vùng nhiệt đới ra hoa quanh năm.
Hạt Sachi chứa nhiều protein (27%) và dầu (35 - 60%). Dầu chứa nhiều các axit béo thiết yếu như axit omega-3 linolenic (≈45-53% tổng hàm lượng chất béo) và axit omega-6 linoleic (≈34-39% tổng hàm lượng chất béo), cũng như axit omega-9 không thiết yếu (≈6-10% tổng hàm lượng chất béo).
![]() |
Hạt sachi có chứa nhiều vitamin E,A các khoáng chất như kali,magie,canxi, chất xơ cùng nhiều chất chống oxi hoá khác |
Hạt Sachi cũng chứa nhiều vitamin E,A các khoáng chất như kali,magie,canxi, chất xơ cùng nhiều chất chống oxi hoá khác. Hạt Sachi còn cung cấp 1 lượng calo tương đối đáp ứng nhu cầu hoạt động, tập luyện: 28g hạt này sẽ bổ sung cho bạn khoảng 170 calo. Không một loại dầu thực vật nào có hàm lượng Omega-3 cao hơn dầu sachi.
Tình hình sản xuất và nghiên cứu cây sachi trên thế giới
Ở vùng Nam Mỹ cây Sachi được trồng và phân bố tại: Peru: 6.000 ha (San Martín, Junín, Huánuco, Ucayali, Amazonas); Ecuador và Colombia: 4000 ha/quốc gia.
Tại Châu Á, cây Sachi được trồng nhiều ở các nước như Trung Quốc: 5000 ha; Thái Lan: 6000ha. Ở Việt Nam, theo thống kê đến hết năm 2017, diện tích trồng Sachi đạt trên 250 ha ở phía Bắc. Hòa Bình là địa phương có diện tích trống Sachi lớn nhất. Diện tích trồng Sachi ở các tỉnh phía Nam chưa có công bố.
Với điều kiện thời tiết nhiệt đới: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma, Malaysia, Việt Nam rất phù hợp để nghiên cứu, trồng cây sachi.
Cây Sachi mang lại giá trị kinh tế cao
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Sacha inchi Việt Nam, cây Sachi là một cây có giá trị cao trên nền đất đồi núi không màu mỡ, sau trồng 3-5 tháng cây sẽ ra hoa và có thể bắt đầu thu hoạch từ tháng thứ 6-8. Năm đầu tiên năng suất có thể đạt 1 tấn hạt/ha, năm thứ 2 đạt 3 tấn hạt/ha, từ năm thứ 3 trở đi là 5-7 tấn hạt/ha. Hiệu quả kinh tế đạt 150-350 triệu/ha. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng100-150 triệu/ha (30.000-40.000đ/kg hạt).
![]() |
Sachi được tìm thấy từ các khu rừng nhiệt đới Amazon |
Sachi là cây lâu năm nhưng lại cho thu hoạch ngay năm đầu và rải vụ quanh năm nên thời gian thu hồi vốn nhanh (chỉ sau 2 năm đã có thể thu hồi vốn đầu tư ban đầu).
Trong một số năm qua, các nghiên cứu về cây Sachi đã được tiến hành khá mạnh mẽ nhưng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Các nghiên cứu đã xác định được các vùng sinh thái thích hợp để phát triển cây Sachi. Cây Sachi thích hợp với sinh thái vùng nhiệt đới, độ cao từ 80 – 2000 m so với mực nước biển. Cây Sachi sinh trưởng và phát triển được trong khoảng nhiệt độ 10-36oC, thích hợp ở nhiệt độ: 25 oC; Độ ẩm 78%, lượng mưa 850mm-1500mm. Một số nghiên cứu ban đầu về thu hái, chế biến cũng đã được tiến hành.
Từ 2019-2021, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam và Công ty CP Quốc tế AOTA đã tiến hành nghiên cứu khả năng phát triển cây Sachi ở các tỉnh phía Nam (chủ yếu vùng phụ cận TP. Hồ Chí Minh và vùng miền Đông Nam Bộ). Đề tài đã thu được những kết quả bước đầu có ý nghĩa, góp phần định hướng nghiên cứu. Trong 5 mẫu giống khảo nghiệm các tác giả đã khẳng định mẫu S18 (DN 18) là giống cho năng suất và phẩm chất cao hơn cả. Giống sinh trưởng phát triển được cả trên vùng đất xám chua phèn của vùng Củ chi phụ cận TP. Hồ Chí Minh và sinh trưởng rất tốt trên vùng đất đỏ Cẩm Mỹ, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hàm lượng dầu đạt 36,26% (A.Oleic (C18:1) 9,58%; A.Linoleic (C18:2) 38,57%; A.Linolenic (C18:3) 43,65%).
![]() |
Mức bón phân 70 N + 70 P2O5 + 70 K2O kg/ha và mật độ trồng cây 4.545 - 5.555 cây/ha là thích hợp cho cây sachi sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao, năng suất năm đầu đạt 1,40-1,41 tấn/ha, tuy nhiên cần theo dõi năng suất các năm tiếp theo để xác định mật độ trồng và mức bón phân hợp lý.
Sử dụng chất điều hòa sinh trưởng KT2 với nồng độ phun 40 ppm làm tăng số hoa cái lên 25,24 lần, đạt 32,81 hoa cái/chùm, số quả đậu tăng 5,67 lần, đạt 2,04 quả/chùm, năng suất hạt/cây tăng 5,28 lần, đạt 850,20 g/cây (so với đối chứng), năng suất hạt thu lứa quả đầu đạt 2,05 tấn/ha; năng suất hạt thu năm đầu đạt 5,87 tấn/ha.
Như vậy có thể nói, các vấn đề về kỹ thuật trồng cây sachi ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở các tỉnh miền Đông nam bộ về cơ bản đã được giải quyết. Để có thể phát triển rộng và vững bền, cần nghiên cứu thêm các vấn đề về chế biến sâu và đặc biệt là nghiên cứu thị trường và đầu ra cho sản phẩm.
Nhóm tác giả nghiên cứu: 1. Nguyễn Quang Thạch - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 2. Phạm Hữu Nhượng - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 3. Ngô Thị Lam Giang - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 4. Trần Thị Quý - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 5. Trương Thanh Hưng - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành 6. Ngô Minh Dũng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam 7. Lưu Xuân Cường - Công ty CP Quốc tế AOTA |