Khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow - Vương quốc Anh. Ảnh: AFP |
Sau 1 năm bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, COP26 sẽ có một chương trình nghị sự rất bận rộn bên cạnh các mục tiêu chính. Theo đó, trong gần 2 tuần diễn ra hội nghị, đại diện của gần 200 quốc gia sẽ thảo luận cách thức ứng phó với thách thức chung là vấn đề ấm lên toàn cầu.
Sau nghi thức khai mạc, các quan chức sẽ giải quyết một loạt vấn đề thủ tục, trước khi các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới hội tụ tại thành phố lớn nhất của vùng Scotland này vào ngày 1/11 để đưa ra các nỗ lực của các nước thúc đẩy cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ hội nghị từ ngày 31/10 đến 12/11, các nhà đàm phán sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tìm cách thúc đẩy các nỗ lực nhằm không chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở hơn 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học cảnh báo cơ hội hiện thực hóa mục tiêu đã được thống nhất tại Paris (Pháp) năm 2015 đang dần tuột mất. Thế giới đã ấm lên hơn 1,1 độ C và các dự báo hiện tại dựa trên kế hoạch cắt giảm lượng khí thải trong thập kỷ tới chỉ ra rằng nhiệt độ Trái Đất có thể tăng thêm đến 2,7 độ C vào năm 2100.
Giới chuyên gia cảnh báo năng lượng được giải phóng bởi tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ làm tan chảy phần lớn băng của Trái Đất, làm tăng mực nước biển và tăng đáng kể khả năng xảy ra cũng như mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu khai mạc Hội nghị ngày 31/10 tại Glasgow, Vương quốc Anh. Ảnh: Reuters |
Phát biểu khai mạc Hội nghị COP26, Chủ tịch COP26 Alok Sharma kêu gọi các nước cùng nhau hành động để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Ông Sharma nhấn mạnh Hội nghị này sẽ là "cơ may cuối cùng và tốt nhất" để khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. “Chúng ta cần phải hành động ngay để giữ nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Chúng ta cần một thập kỷ với các mục tiêu cao hơn và hành động khẩn trương hơn. Những gì chúng ta cần đạt được tại Glasgow là có thể dõng dạc tuyên bố 'chúng ta đã giữ được mục tiêu 1,5 độ C'", ông Sharma nói với Sky News.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa cho biết những thiệt hại nặng nề về nhân mạng và sinh kế trong năm nay do các hiện tượng thời tiết cực đoan càng cho thấy rõ hơn vai trò quan trọng của việc tổ chức COP26, mặc dù những tác động của đại dịch Covid-19 vẫn nặng nề.
“Chúng ta có thể chứng kiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,7 độ C, trong khi mục tiêu hướng tới chỉ là 1,5 độ C. Chúng ta đang trong tình trạng nguy cấp về khí hậu và cần phải tập trung giải quyết vấn đề này, đặc biệt là hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất ứng phó với thảm họa khí hậu. Để đạt được thành công, những mục tiêu tham vọng hơn là rất quan trọng”, bà Espinosa nhấn mạnh.
Quang cảnh bên ngoài trung tâm Hội nghị COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh. Ảnh: AFP |
Hiệp định Paris 2015 đã ấn định giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tốt nhất là 1,5 độ C. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải giải quyết sau thỏa thuận này, trong khi nỗ lực giảm khí thải thời gian qua chưa đủ để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng.
“Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy COP26 diễn ra thành công. Vì vậy, chúng ta cần có sự thống nhất về mục đích để đưa ra các giải pháp khả thi, đầy tham vọng nhằm duy trì mục tiêu 1,5 C”, bà Espinosa nhấn mạnh.
Theo đó, thế giới cần hành động mạnh mẽ hơn để đạt được tiến bộ trên tất cả các mặt của chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, bao gồm giảm lượng khí thải, đưa thích ứng vào trung tâm của chương trình nghị sự, giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra, và tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển.
Một vấn đề trọng tâm là bảo đảm mục tiêu huy động 100 tỷ USD hàng năm từ các nước giàu kể từ năm 2020 để hỗ trợ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là việc thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Việt Nam chủ động thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh
Rạng sáng ngày 31/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức dẫn Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). |
Sau những tiếng búa thống nhất của các quốc gia về Thỏa thuận Paris tại COP21, Việt Nam đã nỗ lực liên tục giảm phát thải. Trong giai đoạn 2015 - 2019, nước ta đã giảm khoảng 17 lần so với trước đó. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu vào năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, sẽ giảm thêm 40 lần nữa, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Nếu có sự hỗ trợ quốc tế, con số giảm phát thải có thể là 250,8 triệu tấn CO2. Tỷ lệ giảm phát thải cao nhất sẽ nằm ở ngành năng lượng, nông nghiệp.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của COP26 là đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, khuyến khích các nước đưa ra chiến lược dài hạn hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net zero).
Việt Nam chủ động thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh |
Về phía Việt Nam, nước ta đã ban hành nhiều chính sách. Từ nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghị định của Chính phủ cho đến các luật liên quan, những chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch hành động đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Việt Nam đã và đang thực hiện tốt những nghĩa vụ quốc tế của mình, đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các diễn đàn quốc tế đã đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Sau bốn năm vắng mặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ quay trở lại vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc được cho là sẽ mang lại lợi ích cho Hội nghị COP26 ở Glasgow. Tuy nhiên, cũng giống nhiều nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự COP26 mà không có sự bảo đảm chắc chắn về mặt lập pháp để đưa ra cam kết của mình trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua dự luật về khí hậu. Theo bản dự thảo thông cáo chung Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome do Reuters tiết lộ, các nhà lãnh đạo G20 sẽ cam kết giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5oC, nhưng phần lớn sẽ né tránh đưa ra những cam kết chắc chắn. Tuyên bố chung phản ánh sự khó khăn trong các cuộc đàm phán, song lại không thông tin chi tiết về các hành động cụ thể để hạn chế phát thải carbon. |