Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu |
Dấu mốc vàng của lịch sử
Cách đây 80 năm, theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập trong khu rừng nay là xã Tam Kinh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Trải qua nhiều cuộc kháng chiến, phải đối đầu với những kẻ thù lớn mạnh, toàn dân tộc Việt Nam đã phát huy khối sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau chung sức, đồng lòng, tiến hành chiến tranh nhân dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong bài thơ “Sông núi nước Nam” đã thể hiện sự đanh thép, quyết tâm bảo vệ lãnh thổ “một tấc không đi, một li không rời”:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cơ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
(Lê Thước - Nam Trân dịch)
Điều đó không chỉ được nêu ra trong sách,vở, qua lời nói mà được chứng minh ngay từ những thời kỳ dựng nước và giữ nước, trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên của Âu Việt và Lạc Việt, tiếp đến các triều đại phong kiến và các cuộc chống Thực dân, Đế quốc lớn mạnh. Những người đứng đầu đã biết dựa vào sức mạnh của nhân dân, tinh thần đoàn kết để đánh giặc, lật đổ chính quyền thống trị và giành thắng lợi vẻ vang.
Sau một quá trình dài hoạt động với những tổ chức nhỏ lẻ và có tên gọi khác nhau đến ngày 22/12/1994, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Lúc bấy giờ trong đội chỉ có 34 chiến sĩ, được trang bị vỏn vẹn 34 khẩu súng - vũ khí thu lượm được từ chiến trường của quân địch. Tổ chức hoạt động dưới sự lãnh đạo của đội trường đồng chí Hoàng Sâm và chính trị viên là đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch).
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân Dân Việt Nam |
Chỉ sau 2 ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã giành được chiến công vang dội với 2 trận đánh đồn Phay Khắt và Nà Ngần (25 - 26/21/12/1944). Với thắng lợi vang dội đó đã tiếp thêm động lực, đánh dấu sự trưởng thành và những bước ngoặt tiếp theo trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ dân tộc.
Tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí minh đặt ra với ý nghĩa thiêng liêng: “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”. Chính vì thế, Quân đội Nhân dân Việt Nam mang trên mình sứ mệnh bảo vệ Tổ Quốc, chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Đến năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI đã ra chỉ thị số 381 - CT/TW, quyết định lấy ngày 22-12 - Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam là “Ngày hội Quốc phòng toàn dân”, với tư tưởng bao trùm “vì dân, do dân, của dân”.
Nhắc đến Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng ta nghĩ ngay đến hai cuộc kháng chiến khốc liệt, đối đầu với bao nhiêu thử thách nhưng vẫn kiên cường, chiến đấu anh dũng, đánh bại Thực dân, Đế quốc xâm lượng lớn mạnh. Đó chính là thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954) và thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975). Kết thúc thời chiến thì tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cao cả, bảo vệ Tổ quốc, phát triển hiện đại xây dựng tổ chức quốc phòng, an ninh lớn mạnh.
Ngày 22/12 thường niên là dịp để toàn dân ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Việt Nam qua những thời kỳ chiến đấu khốc liệt, ranh giới trong gang tấc nhưng quyết không từ bỏ. Đó không chỉ là ngày đề tri ân các chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc mà còn là lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người từ chân lý sinh ra…( Trích trong “Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu).
Ngày 22/12/2024 Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam |
Vào những ngày gần kề 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2024, người dân trên khắp mọi miền Tổ Quốc rạo rực, hưởng ứng mạnh mẽ nhằm tri ân những anh hùng đã ngã xuống để đổi lấy cuộc sống hòa bình. Đây cũng là khoảng thời gian đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đi vào hoạt động đã thu hút được đông đảo mọi người đến tham quan và chiêm ngưỡng những hiện vật, xe tăng, máy bay đã phục vụ cho các cuộc kháng chiến. Không những thế, còn có những chiến sĩ, cựu chiến binh quay trở về, nhìn lại một thời quá khứ đã qua, nhớ đến những người đồng đội không may mắn ngã xuống, hy sinh vì độc lập.
Thế hệ trẻ tìm về lịch sử hào hùng
Bên cạnh những địa điểm quen thuộc như Hoàng Thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,...người dân có thêm cơ hội trải nghiệm một địa điểm tham quan mới mẻ và độc đáo vừa mới mở cửa vào ngày 1/11 đó chính là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bảo tàng dần hoàn thiện và đi vào hoạt động đúng dịp Lễ Kỷ niệm hướng tới 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam nên nhanh chóng trở thành địa điểm hấp dẫn. Mỗi ngày có hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, đặc biệt vào những ngày cuối tuần.
Toàn cảnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhìn từ phía trước |
Theo ghi nhận của phóng viên, với hơn 150.000 hiện vật trong nhà và ngoài trời trên tổng điện tích gần 27.500m2, bảo tàng không chỉ đơn thuần là tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn mang lại không gian trải nghiệm, hòa mình vào khí thế sôi nổi của một ngày lễ quan trọng.
Độ tuổi đến tham quan Bảo tàng cực kỳ đa dạng: người lớn tuổi, các cựu chiến binh, người trẻ, học sinh của các trường mầm non đến trung học, gia đình nhiều thế hệ. Có lẽ, đông đảo nhất vẫn là những người trẻ đến tham quan, chụp ảnh nhằm lưu giữ những khoảnh khắc cùng các hiện vật được trưng bày, đặc biệt là lá cờ Tổ quốc.
Một số hiện vật được trưng bày phía trong nhà của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Ảnh: Phan Oanh) |
Tại Bảo tàng, mỗi hiện vật tại các khu trưng bày sẽ gắn liền với những giai đoạn lịch sử cụ thể. Mọi người tham quan sẽ được trở về quá khứ từ thời Văn Lang - Âu Lạc gắn liền với từng câu chuyện dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Chính vì thế, khách trải nghiệm sẽ hiểu hơn về giá trị của sự hòa bình và những gian khổ mà thế hệ trước đã đánh đổi để giữ vững toàn vẹn lãnh thổ.
Tham quan khu vực trưng bày các hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hoàng Tuấn Hưng chia sẻ: “Là một người yêu thích lịch sử, khi được chứng kiến hiện vật mà trước đây chỉ được xem qua sách vở, tôi cảm thấy hiểu hơn về những gì được học, thấm thía sự hy sinh cao cả của những người chiến sỹ. Tôi nghĩ những du khách khi đến đây đều có được những cảm nhận như thế và khâm phục tinh thần kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta”.
Hòa chung với không khí sôi động khi toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến ngày lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân, khi đến đây Tuấn Hưng càng trân quý hơn cuộc sống thời bình, nhắc nhở bản thân phải ghi nhớ những điều thiêng liêng và mong muốn được ít nhất một lần trải nghiệm hết những địa điểm lịch sử không riêng gì Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Các bạn trẻ tới tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (Ảnh: Phan Oanh) |
Không riêng gì Tuấn Hưng, Thu Thủy cô sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cũng rất tự hào khi đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. “Khi tôi chứng kiến những hiện vật ngoài đời thực hiểu rõ hơn về cuộc sống kháng chiến lúc bấy giờ. Có rất nhiều hiện vật khiến cho bản thân tôi ấn tượng như khẩu súng, xe tăng, trang phục của những người chiến sĩ, dụng cụ chiến đấu...Được sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi cảm thấy thực sự rất may mắn”, Thu Thủy bày tỏ.
Trong thời gian học tập tại Hà Nội, vào dịp cuối tuần có thời gian rảnh rỗi, Thủy cùng bạn học sẽ đi tham quan những địa điểm nổi tiếng như Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long…Đối với Thủy, đây là một cách để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, hiểu biết rộng hơn bên cạnh việc tìm hiểu kiến thử trong sách và các tài liệu liên quan. Thu Thủy chia sẻ thêm: “Hiện tại, Bảo tàng chưa hoàn thiện, tôi muốn được quan sát trực tiếp mô phỏng công nghệ thực tế ảo, trải nghiệm lái xe tăng. Cho nên khi hoạt động này diễn ra, tôi sẽ quay lại đây để được tham gia trải nghiệm điều đó”.
Những bạn trẻ được trực tiếp nhìn thấy hiện vật và nghe kể câu chuyện từ các bác cựu chiến binh (Ảnh: Phan Oanh) |
Không chỉ các bạn trẻ, những đoàn học sinh từ mầm non đến trung học khi được nhà trường tổ chức đi tham quan Bảo tàng cũng cực kỳ thích thú.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, quản lý trường Mầm non Hoa bé ngoan dẫn các bạn học sinh đến tham quan Bảo tàng chia sẻ: “Việc tổ chức cho các trẻ tham quan, hoạt động ngoại khóa diễn ra theo tháng. Đến các địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng để học sinh chứng kiến thực tế và tạo sự hứng thú với lịch sử, truyền thống của đất nước. Trước đó, nhà trường đã tổ chức đi Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Làng cổ Bát Tràng,...”
“Hưởng ứng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, trường quyết định tổ chức một tuần lễ hoạt động liên quan. Ngày đầu tiên, các bạn được tìm hiểu về bộ đội Biên Phòng, ngày thứ 2 tìm hiểu về các chú bộ đội Phòng không - Không quân, ngày thứ 3 trực tiếp tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ngày thứ 4 tham gia hoạt động sáng tạo, chế tạo súng hai nòng từ bìa carton. Hoạt động diễn ra cả một tuần, đối với các bạn thì chủ yếu tạo hứng thú, hình thành được những kiến thức đơn giản và yêu thích lịch sử”, chị Thu Hà cho biết.
Các bạn nhỏ được nhà trường tổ chức tham quan, chụp ảnh kỷ niệm khi tới Bảo tàng (Ảnh: Phan Oanh) |
Trường mầm non Những cánh diều bay cũng tổ chức cho các bạn nhỏ đi tham quan trong vòng 2 giờ đồng hồ. Chị Vũ Thanh Loan, giáo viên dẫn đoàn chia sẻ: “Mong muốn các bạn hiểu biết hơn về nguồn gốc và giá trị lịch sử mà cha ông ta đã để lại. Với những ngày kỷ niệm lớn như: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Giải phóng Thủ đô (10/10) hay ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam sắp tới (22/12), trường tổ chức hoạt cảnh để hóa thân bộ đội, đi tham quan tìm hiểu lịch sử.
Với chuyến tham quan lần này, các bạn nhỏ khá hứng thú với các hiện vật được trưng bày tại đây. Sau khi nghe các cô giới thiệu, các bạn được sờ và nhìn thấy xe tăng, khẩu súng, máy bay cực kỳ phấn khởi”.
Học sinh trường mầm non Những cánh diều bay trải nghiệm thực tế khám phá hiện vật trưng bày (Ảnh: NTCC) |
Ký ức người lính qua từng hiện vật - sống mãi với thời gian
Có những người chiến sĩ đã mãi mãi trở về với đất mẹ thân thương, nhưng cũng có những chiến sĩ may mắn sống sót trở về, chứng kiến bao đổi thay của đất nước. Trước không khí sôi nổi hướng về Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân, tưởng nhớ về công lao hy sinh anh dũng của những người đã khuất và cũng là để gợi nhớ thời kỳ kháng chiến đầy oanh liệt của những cựu chiến binh. Từng đoàn các cô, các chú đến với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhìn lại những hiện vật có thể bản thân mình đã từng điều khiển và sử dụng để chiến đấu chống ngoại xâm.
Bên cạnh khẩu súng cối 120mm K55, người chiến sĩ áo trắng say sưa trò chuyện với những người đồng đội của mình. Đó là cựu chiến binh Phạm Kim Thẩm, người trực tiếp sử dụng khẩu súng để tấn công quân địch. Đã nhiều năm trôi qua, bác Thẩm vẫn nhớ như in mọi thao tác lắp súng, bắn đạn, tháo súng để thuận tiện cho quá trình di chuyển.
Bác Phạm Kim Thẩm tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đứng bên cạnh khẩu súng cối 120mm K55 (Ảnh: Phan Oanh) |
“Lúc bấy giờ bộ đội giải phóng quân chỉ có khẩu súng cối 120mm K55 là lớn nhất, chưa có xe tăng, pháo và máy bay. Khi bắt đầu hành quân, khẩu súng được tháo ra thành nhiều bộ phận, thuận tiện cho việc di chuyển. Chúng tôi hoạt động ở đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là quân khu 9 nên sử dụng ghe, thuyền để di chuyển thuận lợi hơn”, bác Thẩm chia sẻ.
Cơ chế hoạt động của khẩu súng là sau khi di chuyển đến địa điểm cố định được chỉ huy sắp xếp để tấn công đúng đồn của địch, người chiến sĩ lắp lại. “Khi muốn bắn xa phải nâng phần phía dưới của súng lên. Lúc này cần một người chuẩn bị đạn, một người tống dây vào nòng súng, đến khi quả đạn rơi xuống vào kíp nổ thì đạn sẽ được phóng đi”, bác Thẩm kể.
Đến với Bảo tàng thấy được người đến tham quan đông đảo, người chiến sĩ cách mạng khá tự hào. Bác Thẩm bày tỏ: “Tôi rất vui khi thấy con cháu chúng ta nhìn nhận chính xác về cuộc kháng chiến, đó cũng là sự tự hào của thế hệ đi trước. Mong rằng trong tương lai con cháu tiếp nối những truyền thống tốt đẹp, lưu giữ mãi lịch sử hào hùng của dân tộc ta”.
Cũng vào một buổi sáng se lạnh của Hà Nội, người chiến sĩ lái xe Trường Sơn chi viện lương thực, thực phẩm từ miền Bắc vào miền Nam đang ngắm nghía những hiện vật được trưng bày ngoài trời.
Đến trước chiếc xe vận tải Gaz - 66, người chiến sĩ lái xe Nguyễn Thái Thư năm xưa được xem lại hiện vật gắn liền với thời kháng chiến đầy nguy hiểm. “Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, bom B52 thả liên tục nhằm ngăn chặn chi viện từ miền Bắc vào cho miền Nam. Nó đánh suốt ngày đêm, những người chiến sĩ lái xe như bác đều phải vượt qua làn bom đạn để chở lương thực - thực phẩm, vũ khí và bộ đội vào miền Nam để hỗ trợ, phục vụ cho chiến trường. Để hạn chế sự tấn công của địch và vận chuyển thành công các chuyến chi viện thì đoàn xe phải di chuyển vào ban đêm. Lúc đó không có đèn, bên trên là bom đạn, bên dưới là đường lầy, thậm chí là các hố sâu. Thế nhưng chuyến xe nào cũng cố gắng di chuyển nhanh nhất để cứu trợ kịp thời”, bác Thư chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Thái Thư là một trong số các chiến sĩ lái xe chi viện từ Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ (Ảnh: Phan Oanh) |
“Trong suốt quá trình chiến đấu, chúng tôi đã không ít lần thoát chết trong gang tấc. Bởi đế quốc Mỹ có vũ khí hiện đại, bom đạn bắn ra liên tục, còn về phía chúng ta công cụ còn khá là thô sơ. Những lần Mỹ bắn C130 liên tục hàng giờ đồng hồ nhằm cắt hoàn toàn việc vận chuyển của ta. Có những lần, quân địch đánh theo xe, không may trúng vào thùng xăng của chiếc xe tôi đang chở hàng, xe bốc cháy. Nhưng may mắn tôi thoát ra khỏi xe kịp thời và chỉ bị thương. Sau gần 1 tháng điều trị, tôi tiếp tục ra chiến trường để thực hiện nhiệm vụ”, đồng chí Nguyễn Thái Thư bồi hồi nhớ lại.
Đồng chí Nguyễn Văn Mùi cũng là một trong chiến sĩ lái xe để chi viện từ Bắc vào Nam. Đối với bác Mùi khi đến tham quan với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhìn thấy những hiện vật được trưng bày như trở lại tuổi 20. Mặc dù là gian khổ, khó khăn nhưng cũng đưa đến cho chiến sĩ những kỷ niệm đẹp đẽ, được góp sức mình trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Những khẩu hiệu sống mãi với những người chiến sĩ lái xe mà đồng chí Nguyễn Văn Mùi không thể nào quên “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Đây là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ thuộc hai đại đội xe đầu tiên của Quân đội ta vào ngày 28/3/1951. Các đồng chí truyền tai nhau lời dạy của Bác, động viên nhau thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tham gia chiến đấu khi còn tuổi xuân xanh, những người chiến sĩ anh dũng quay lại, chiêm ngưỡng những hiện vật từng gắn bó một thời ở tuổi thất tuần. Thế nhưng niềm tự hào về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự kiên trì bền bỉ không bỏ cuộc của quân và dân ta hiện rõ trên khuôn mặt của các bác. Với những chiến công vẻ vang nhưng ai cũng rất khiêm nhường, chỉ xem đó là chút công sức nhỏ bé giữa khí thế hào hùng của toàn dân tộc ta.
Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu |