Sau bão số 3, hàng chục doanh nghiệp ở Hải Phòng chưa thể phục hồi sản xuất do vẫn đang khắc phục thiệt hại nặng nề do bão. |
Siêu bão Yagi mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đã đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc Việt Nam với cường độ mạnh giật lên cấp 17, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất và xây dựng vốn phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết cũng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất lúa màu và cây trồng như CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - NSC), đã phải đối mặt với thiệt hại lớn do siêu bão càn quét qua các tỉnh Thái Bình và Nam Định. Bão đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến tăng chi phí phục hồi và tác động tiêu cực đến doanh thu, đặc biệt là trong mùa vụ tới.
Các doanh nghiệp xây dựng lớn tại miền Bắc như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN) cũng bị tác động mạnh khi bão làm hư hỏng thiết bị và cơ sở hạ tầng tại các công trường xây dựng. Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và đình trệ các dự án, khiến các nhà thầu phải tạm dừng thi công, làm tăng chi phí do kéo dài tiến độ.
Ngành điện lực đại diện bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng gặp phải nhiều sự cố nghiêm trọng về lưới điện tại các tỉnh miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định gây mất điện trên diện rộng. EVN phải huy động lực lượng lớn để khắc phục sự cố, nhưng thiệt hại về kinh tế là không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Vietnam Airlines (HVN) cũng phải đối mặt với ảnh hưởng đáng kể từ siêu bão Yagi. Để đảm bảo an toàn, nhiều chuyến bay đã bị tạm dừng khai thác tại các sân bay lớn như Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài và Thọ Xuân. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lịch trình của hàng triệu hành khách mà còn có thể làm giảm doanh thu của các hãng hàng không và làm tăng chi phí cho công tác phòng chống bão và phục hồi sau bão.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải và logistics như Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN), CTCP Xếp dỡ và Vận tải Hải An (HAH) cũng bị gián đoạn hoạt động do các cảng biển tại khu vực phía Bắc bị đóng cửa. Sự ngưng trệ trong vận chuyển hàng hóa làm ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng và giao thương quốc tế.
Khu phố ẩm thực trước công viên Sun World, một trong những điểm nổi tiếng, thu hút khách ở phường Bãi Cháy - Quảng Ninh, đổ nát sau khi bão Yagi tràn qua. |
Tại Quảng Ninh, các địa điểm du lịch nổi tiếng như Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Bảo tàng Quảng Ninh đều ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng.
Cảng Tuần Châu, với hơn 20 tàu du lịch bị chìm, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất. Sóng lớn và mưa bão đã nhấn chìm nhiều tàu du lịch, gây tổn thất nặng nề cho ngành du lịch địa phương.
Bảo tàng Quảng Ninh, với kiến trúc kính độc đáo, đã bị vỡ nhiều tấm kính lớn sau bão. Công tác sửa chữa sẽ mất 1-2 tháng do các tấm kính cần được đặt riêng theo kích thước cụ thể.
Cung Cá Heo, một công trình nổi bật tại Quảng Ninh với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, cũng bị tốc mái hoàn toàn, khiến cho khu vực triển lãm văn hóa và hội chợ của tỉnh bị gián đoạn hoạt động.
Các khách sạn tại Hạ Long như Novotel và Diamond cũng báo cáo thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Nhiều cửa kính bị vỡ, cảnh quan xung quanh bị phá hủy hoàn toàn. Tình trạng mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến việc khắc phục sự cố trở nên khó khăn hơn.
Ngoài các khu công nghiệp và doanh nghiệp, nhiều tuyến đường lớn tại Hải Phòng và Quảng Ninh bị ngập sâu và tắc nghẽn do cây cối, cột điện gãy đổ. Các tuyến đường tại các tỉnh thành này vẫn ngập nước trong ba ngày qua, khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn, hàng nghìn doanh nghiệp chưa thể quay lại hoạt động bình thường.
Tình trạng mất điện trên diện rộng còn khiến nhiều nhà hàng, trung tâm thương mại tại Hải Phòng, Quảng Ninh phải đóng cửa. Một số trung tâm thương mại lớn chỉ có thể hoạt động nhờ vào máy phát điện dự phòng, nhưng việc kinh doanh vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Siêu bão Yagi không chỉ gây ra thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng mà còn tạo ra những thách thức dài hạn cho các doanh nghiệp, đòi hỏi nỗ lực khắc phục mạnh mẽ trong thời gian tới.