Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần ‘vaccine + 5K’ Huy động mọi lực lượng cho chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 Hơn 117.000 liều vaccine COVID-19 đã về Việt Nam |
Vaccine không thể đảm bảo phòng dịch 100%, cần phải thực hiện nghiêm thông điệp “Vaccine + 5K
Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5/3, về vaccine ngừa COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, việc tiếp cận vaccine có nhiều khó khăn, “không phải trong một sớm, một chiều”, đòi hỏi một quá trình lâu dài do nhu cầu lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế. Trong khi đó, nhiều nước sẵn sàng mua theo “kỳ vọng”, thậm chí đăng ký mua gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp ngày 5/3 |
Ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã bắt đầu đàm phán về vaccine, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, việc đảm bảo đủ vaccine COVID-19 ngay rất khó khăn. Đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ; chỉ có hiệu lực bảo vệ từ 6 tháng đến 1 năm (theo báo cáo của nhà sản xuất, đánh giá kiểm nghiệm lâm sàng). “Vì vậy, song song với việc mua vaccine từ nước ngoài, chúng ta phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vaccine trong nước. Đây là chiến lược lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích, theo các nghiên cứu, vaccine Pfizer đạt hiệu quả trên 90%, hiệu quả mũi 1, mũi 2 của vaccine AstraZeneca lần lượt 76% và 81%... Như vậy vaccine không thể đảm bảo phòng dịch 100%, cần phải thực hiện nghiêm thông điệp “Vaccine + 5K”.
Về việc tiếp cận vaccine qua COVAX Facility của Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đăng ký và được phê duyệt, trở thành 1 trong 92 nước nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên.
Cơ chế này do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Chương trình tiêm chủng mở rộng (GAVI), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI)… xúc tiến, để cung cấp vaccine một cách công bằng cho các quốc gia đang phát triển. COVAX Facility chủ yếu sử dụng vaccine AstraZeneca, cung ứng cho Việt Nam khoảng 5 triệu liều vào năm 2021, còn lại khoảng 25 triệu liều sẽ cung ứng vào năm 2022.
Cảnh báo lừa đảo trong vấn đề cung ứng vaccine ở trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc các công ty khẳng định có thể cung ứng vaccine AstraZeneca là không đúng, bởi tất cả các vaccine hiện nay đều phải qua Bộ Y tế cấp phép.
Những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam vào ngày 8/3 |
Đối với 117.000 liều vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 3/3, Việt Nam đã có giấy kiểm định chất lượng lô xuất xưởng của Hàn Quốc và các cơ quan kiểm nghiệm độc lập. Sau đó, Bộ Y tế đã giao cho các lực lượng kiểm nghiệm vaccine và khẳng định, đến nay đã đủ điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
Theo đó, ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tập huấn toàn tuyến trên toàn quốc liên quan đến việc hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản, tiêm, xử lý tai biến sau tiêm… Dự kiến, ngày 8/3, những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Cụ thể, những người trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại 18 cơ sở điều trị sẽ được tiêm đầu tiên, sau đó tiến hành tiêm cho các vùng dịch của 13 tỉnh, thành phố ghi nhận các ca mắc COVID-19 thời gian qua, đặc biệt là Hải Dương… Với những người được tiêm, Bộ Y tế đã thiết kế quá trình quản lý, theo dõi, giám sát bằng hồ sơ sức khỏe điện tử.
Thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 từ nước ngoài ngay từ rất sớm; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước.
Ông đề nghị, khi có vaccine COVID-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính.
Thứ nhất, trong những đợt tiêm chủng mở rộng đối với những vaccine đã ổn định rồi cũng có lúc xảy ra sự cố, sơ suất, nếu không chuẩn bị tốt sẽ biến thành những sự cố lớn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước. Ảnh: VGP |
Thứ hai, tất cả những loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vaccine được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Đến nay Việt Nam có 3 ứng viên vaccine nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 (Công ty Nanogen với vaccine có tên Nano Covax, IVAC có tên Covivac và 1 loại của Vabiotech).
Thông tin mới nhất, vaccine Nano Covax đã hoàn thành giai đoạn 1 thử nghiệm trên người, bước sang giai đoạn 2 hôm 26/2 triển khai tại Hà Nội (tiêm ở Học viện Quân Y) và Long An (Viện Pasteur TP. HCM phối hợp thực hiện tiêm tại huyện Bến Lức) với tổng 560 tình nguyện viên độ tuổi từ 12-75.
Đến nay sau 1 tuần, 2 đơn vị này đã tiêm được 367 tình nguyện viên, trong đó Học viện Quân Y tiêm được 120 người, trong số này có 30 người trên 60 tuổi. Nhóm nghiên cứu chưa ghi nhận phản ứng bất thường từ các tình nguyện viên sau tiêm. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm hai mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày.
Thử nghiệm vaccine trong nước phải "tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể"
Với vaccine Covivac, từ sáng nay, 5/3, bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm. Dự kiến trong nửa cuối tháng 3 này sẽ tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên giai đoạn 1. Loại vaccine còn lại, tới đây Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải "tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể".
Từ sáng ngày 5/3, bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Covivac |
Theo Phó Thủ tướng, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine phòng COVID-19, chúng ta sẽ chủ động trong được nguồn vaccine cho 100 triệu dân. Những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.
Đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 Vũ Đức Đam nhấn mạnh vaccine "là giải pháp căn cơ, lâu dài" để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, nhưng trong một thời gian ngắn hạn (6 tháng-1 năm) thì vaccine chưa phải là tất cả. Điều đầu tiên, căn bản nhất, theo Phó Thủ tướng vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vaccine.
Phó Thủ tướng lưu ý mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).