Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh |
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, xin Thứ trưởng cho biết những ưu tiên của ASEAN trong hợp tác kinh tế là gì?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế ASEAN và thế giới, Bru-nây đã đưa ra chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2021 là “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng” với 13 ưu tiên, sáng kiến hợp tác kinh tế hướng đến ba chiến lược chính: Phục hồi; Số hóa; Bền vững; thông qua 13 sáng kiến hợp tác kinh tế như: xây dựng Khung kinh tế tuần hoàn, xây dựng bộ công cụ đánh giá các biện pháp phi thuế quan; lộ trình thúc đẩy chuyển đổi số ASEAN, v.v…
Bên cạnh việc triển khai 13 sáng kiến về hợp tác kinh tế của ASEAN cho năm 2021 do Bru-nây đề xuất, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã tích cực thảo luận việc tiếp tục triển khai các sáng kiến về hợp tác kinh tế do Việt Nam đề xuất với cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tiêu biểu như: Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN; mở rộng Danh mục hàng hóa thiết yếu của ASEAN nhằm đối phó với dịch Covid-19; thực hiện Biên bản Ghi nhớ về việc xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Hà Nội .
Các nước ASEAN nhất trí tiếp tục duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trường đối với thương mại và đầu tư, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm đảm bảo tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu trong khu vực; củng cố mạng lưới sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng khu vực bền vững, phát huy ứng dụng công nghệ để kịp thời điều chỉnh các phương thức kinh doanh thích ứng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua đại dịch, duy trì đà tăng trưởng, đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng kinh tế vững mạnh, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai.
Toàn cảnh hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 tại đầu cầu Hà Nội |
Xin Thứ trưởng cho biết Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này đã đưa ra những giải pháp trọng tâm gì cho trước mắt và lâu dài?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Về ngắn hạn Hội nghị này, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện đồng thời các biện pháp chống dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế, đề ra những định hướng nhằm thực hiện hiệu quả các sáng kiến đã được thông qua trong năm 2020 như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19, Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN – Nhật Bản, v.v...
Các Bộ trưởng ASEAN cũng nhất trí về sự cần thiết duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, nỗ lực hơn nữa trong xử lý các hàng rào phi thuế quan, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm thúc đẩy thương mại nội khối, ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch CVID – 19 việc nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa và các đối tác ngoại khối (các FTA ASEAN+1) sẽ góp phần không nhỏ giúp thúc đẩy thương mại khu vực, duy trì và củng cố các chuỗi cung ứng, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Việt Nam và các nước ASEAN đã chủ động đề xuất xây dựng định hướng chung cho việc nâng cấp các FTA ASEAN + 1 nhằm đảm bảo hiệu quả của việc nâng cấp các hiệp định này, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp ASEAN, đồng thời tiết kiệm nguồn lực của ASEAN. Việc xây dựng cách tiếp cận chung cho công tác nâng cấp các FTA ASEAN+1 cũng góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các đối tác ngoại khối như Ốt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Về tầm nhìn dài hạn: ASEAN đã hoàn tất đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025. Dựa trên đánh giá này, các Bộ trưởng đã thống nhất xây dựng các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của AEC trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu. Đây sẽ là các giải pháp toàn diện, nhằm cải thiện tình hình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ nay đến năm 2025.
Tập trung vào những khuyến nghị như theo đuổi cách tiếp cận chủ động và chiến lược hơn trong quan hệ đối ngoại, thúc đẩy phát triển AEC công bằng, bao trùm và bền vững, thực hiện chiến lược toàn cộng đồng về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, v.v… nhằm mục tiêu giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ và bền vững, tận dụng cơ hội tốt hơn trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới.
xin trân trọng cảm ơn ông!