Tổng vốn thực hiện chương trình là 103.050 tỷ đồng trong đó ngân sách Nhà nước 16.450 tỷ đồng, các nguồn vốn khác 86.600 tỷ đồng.
Chương trình giống được chia làm 2 giai đoạn: 2021 - 2025 là 40.000 tỷ đồng, 2025 - 2030 là 46.600 tỷ đồng.
Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030
Cụ thể đến năm 2030, mở rộng lưu giữ khoảng 45 - 52 nghìn nguồn gen cây trồng, vật nuôi; đánh giá và khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống.
Nghiên cứu đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu cao với sâu và bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống, tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi sang thị trường các nước.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ dành nguồn vốn đầu tư 103.050 tỷ đồng cho việc phát triển khoa học công nghệ về giống; nuôi giữ giống gốc; nghiên cứu chọn tạo giống; phát triển sản xuất giống; hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, thương mại về giống.
Ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống với những đối tượng cây trồng, vật nuôi mà các tổ chức, cá nhân chưa hoặc ít quan tâm đầu tư.
Đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, đặc biệt là nhân giống cấp xác nhận (hoặc tương đương), đáp ứng yêu cầu giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất.
Bên cạnh đó, sẽ có các chính sách đồng bộ về tín dụng, đất đai, tăng cường nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu phát triển giống...
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, tính mới của chương trình lần này là, nếu trước kia chỉ tập trung vào lưu giữ giống gốc, phát triển giống chủ yếu ở khối công lập như các viện, trường thì sang giai đoạn tới sẽ đầu tư sâu cho khối doanh nghiệp, tư nhân, thiết kế theo chuỗi từ nguồn gen phục vụ chọn tạo đến chương trình chọn tạo giống cho những đối tượng chủ lực phục vụ tái cơ cấu.
Thứ hai là chương trình sẽ huy động đa dạng nguồn lực của xã hội với cơ cấu vốn rất rõ phần nào của trung ương, của địa phương đặc biệt là của các doanh nghiệp và các thành phần khác kể cả nông dân…
Mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại
Về những tồn tại hiện nay, trực tiếp Thứ trưởng đã đi khảo sát và chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị, các địa phương để làm sao kiểm soát được tính đúng giống và chất lượng của giống cây dài ngày đặc biệt là cây ăn quả có múi: “Không thể để cho tình trạng nhà nhà, người người làm giống như hiện nay mà phải có chứng nhận cho các vườn ươm và phải thanh tra, kiểm tra được việc này.
Giai đoạn tới, Bộ sẽ đầu tư cho các viện nghiên cứu, các trung tâm giống của các địa phương để có hệ thống sản xuất theo đúng chuẩn từ vườn giống gốc đến các mắt ghép đảm bảo khi xuất bán cây giống phải hoàn toàn sạch bệnh, đặc biệt là bệnh do virus”.
Thứ trưởng cũng lưu ý về việc tăng trưởng nóng của một số cây trồng ăn quả hiện nay: “Trong cây ăn quả có múi thì bưởi là cây lợi thế của Việt Nam vì đạt cả về chất lượng lẫn thời gian thu hoạch có thể kéo dài tới nửa năm tiện rải vụ, bảo quản được lâu.
Nhưng về cam hiện nay đang tăng trưởng quá nóng mà chất lượng cam Việt không thể cạnh tranh được với cam của các nước ôn đới nên chủ yếu mới chỉ ăn tươi, thời gian thu hoạch lại ngắn, cần tính kỹ trước khi trồng.
Giống tốt rồi thì cũng cần phải có biện pháp thâm canh phù hợp bởi cây có múi yêu cầu đặc biệt về dinh dưỡng, phải là phân hữu cơ hoai mục chứ chỉ bón phân vô cơ là xuất hiện bệnh về rễ; Chế độ nước thì cần nước nhưng không được để vườn bị úng”.
Hồng Nga