Thị trường tỷ đô phát triển từ ngành cầm đồ
Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển luôn luôn tồn tại một phân khúc khách hàng dưới chuẩn ngân hàng cần được phục vụ nhu cầu về tài chính, trong đó có dịch vụ cầm đồ. Tại Việt Nam, đến nay dịch vụ cầm đồ truyền thống luôn có những định kiến nhất định. Khi nhắc đến lĩnh vực cầm đồ, ấn tượng của đa phần người dân là một lĩnh vực nhạy cảm, “tín dụng đen”, “lãi suất cắt cổ”, “đòi nợ kiểu xã hội đen”.
Cầm cố tài sản và cho vay tiêu dùng: Xu hướng tất yếu dành cho nhu cầu của phân khúc yếu thế |
Thế nhưng, hiện nay hoạt động kinh doanh cầm đồ lại được xem là hình thức cho vay tài chính sớm nhất. Ngày nay, hoạt động này đã phổ biến trên toàn cầu và được xếp vào loại dịch vụ tài chính vi mô.
Cụ thể như ở Mỹ, theo như báo cáo được ghi nhận vào năm 2022, có hơn 13 nghìn cửa hiệu và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tại đất nước 1,4 tỷ dân như Ấn Độ, dịch vụ cầm đồ dường như là một loại hình thiết yếu, phát triển mạnh mẽ theo nhu cầu của một xã hội có sự phân hóa giàu nghèo quá lớn. Tại các thành phố ở Ấn Độ, cửa hàng cầm đồ xuất hiện ở cuối mỗi con phố và người dân nơi đây có thể cầm cố bất cứ thứ gì mình có, thậm chí là vay tiền bảo đảm bằng vàng tại các cửa hiệu cầm đồ.
Ở Thái Lan, chỉ riêng ba ông lớn trong ngành này là Ngern Tid Lor, Srisawad và Muang Thai Capital (MTC) cũng đã có gần 10.000 phòng giao dịch, trong đó Ngern Tid Lor có hơn 1.000; Srisawad hơn 4.900 và Muang Thai Capital là khoảng 6.000.
Ngoài ra, nói về dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính không thể không nhắc đến MoneyMax Financial Services Ltd. (MoneyMax) của Singapore. Đây là nhà môi giới cầm đồ, nhà bán lẻ và nhà kinh doanh hàng đầu về các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng.
Kể từ khi thành lập cửa hàng đầu tiên vào năm 2008, Tập đoàn này đã phát triển và mở rộng mạng lưới của mình lên 90 cửa hàng, trở thành một trong những chuỗi môi giới cầm đồ lớn nhất có mặt ở cả Singapore và Malaysia.
Sự phát triển của một công ty cầm đồ tại trung tâm tài chính thứ 3 của thế giới cũng có nhiều sự phát triển riêng biệt hơn. Thay vì cầm cố các tài sản giá trị trung bình thường thấy của phân khúc thu nhập tầm trung và thấp, tại Singapore, MoneyMax còn thực hiện việc định giá cả các vật phẩm đắt tiền và bán lại các sản phẩm trang sức đã qua sử dụng.
Tại Việt Nam, ngành dịch vụ cầm đồ mới nổi lên trong vài năm trở lại đây, mà F88 là cái tên tiêu biểu. Một loạt công ty khác đang xây dựng và phát triển nhằm chiếm thị phần trong thị trường tỷ đô này như Tiện Ngay, T99, Người Bạn Vàng, Vietmoney hay Camdonhanh.vn.
Ảnh minh họa |
Vẫn còn một tỷ lệ lớn dân cứ trong khoảng 100 triệu người dân Việt Nam chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng và nhu cầu tài chính ngắn hạn của người dân thuộc tầng lớp lao động được xem là sức hút cho các nhà đầu tư vào thị trường này.
Sự phát triển tất yếu
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, các loại hình cầm cố tài sản cũng phát triển rất sớm với quy mô ban đầu là những cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ. Thực tế, thị trường dịch vụ cầm đồ đang nằm trong tay các cửa hàng cầm đồ truyền thống, với ước tính khoảng 30.000 cửa hàng trên cả nước. Đối tượng khách hàng là hàng chục triệu lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, thường xuyên đối diện với khó khăn do thiếu vốn.
Theo một số chuyên gia, các cửa hàng cầm đồ có xu hướng phát triển thành cửa hàng tài chính tiện ích, tích hợp các dịch vụ như thu hộ chi hộ, thanh toán hoá đơn, nạp rút chuyển nhận tiền... Nguyên nhân là bởi có nhiều người chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính trong khi nhu cầu thì hiện hữu và ngày càng lớn.
Đáng nói, với việc số lượng cửa hàng nhiều, hoạt động theo dạng thỏa thuận dân sự, nhiều cửa hàng cầm đồ đã phát triển theo hướng “tín dụng đen” với các loại hình như vay góp, bốc bát họ… với lãi suất có khi lên tới 1.000%.
Rất nhiều vụ việc cho vay lãi suất cắt cổ liên quan đến các cửa hàng cầm đồ đã bị công an triệt phá. Có lẽ vì lý do đó, sự xuất hiện của các cửa hàng cầm đồ truyền thống luôn tạo một sự ác cảm với nhiều người, khi hình ảnh của nó lại gắn với các vụ việc thu nợ kiểu khủng bố, gây rối mất trật tự công cộng.
Cũng trong bối cảnh đó, các công ty cho vay cầm cố tài sản kiểu mới ra đời, cùng chịu sự quản lý của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ như các cửa hàng cầm đồ truyền thống và hoạt động dưới dạng thỏa thuận dân sự.
Mặc dù lãi suất cao nhưng nhiều người vẫn lựa chọn các cửa hàng cầm đồ khi có nhu cầu tài chính. Ưu điểm của hình thức cho vay này là thủ tục nhanh chóng, tài sản cầm cố đa dạng, số tiền vay được tuỳ thuộc giá trị tài sản cầm cố. So với việc vay từ ngân hàng, vay từ các cửa hiệu cầm đồ dễ dàng hơn nhiều. Đặc biệt, các công ty dịch vụ cầm đồ hướng đến làm ăn chuyên nghiệp trong các khâu tổ chức hoạt động, minh bạch,… nên đã hạn chế được nạn “tín dụng đen”.
Dù thị trường đầy tiềm năng, nhưng để trở thành các công ty tỷ đô niêm yết trên thị trường chứng khoán như các công ty cầm đồ khác trên thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại Việt Nam còn một chặng đường dài phía trước để xóa bỏ định kiến chưa đúng về lĩnh vực kinh doanh này.