Người dân đổ xô đi mua hàng dự trũ
Hà Nội quyết tâm không để xảy ra thiếu hàng trong mọi tình huống
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Vụ TTTN), Bộ Công Thương thông tin nhanh tại buổi làm việc, sau khi nhận thông tin thành phố Hà Nội đã có 1 trường hợp nhiễm với Covid-19, Vụ TTTN đã có văn bản gửi các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước cũng phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin ngay khi Chính phủ công bố dịch COVID-19 vào đầu tháng Hai và Thành phố Hà Nội công bố có 1 ca nhiễm bệnh, đã xảy ra tình trạng một số người dân đổ xô đi mua hàng dự trữ các mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng khác như khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh, nước đóng chai.
Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã chủ động yêu cầu các hệ thống phân phối tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng kịp thời khi thị trường có nhiều biến động.
Cụ thể, từ đêm 6/3 và sáng sớm ngày 7/3, lượng hàng dự trữ tại các doanh nghiệp tăng trung bình từ 4-5 lần so với ngày bình thường, riêng hệ thống Vinmart hàng hóa tăng 40 lần. Ngoài ra, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…
Thông tin thêm về lượng hàng dự trữ, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, cho biết từ khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng lớn, đặc biệt là thực phẩm tiêu dùng, gạo, hàng hoá thiết yếu… với lượng tăng 300 - 400%.
Tuy nhiên, do tâm lý người tiêu dùng khi nghe thông tin về ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Hà Nội nên lượng khách hàng mua sắm tăng cao so với ngày bình thường, ảnh hưởng tới việc cung cấp tại một số thời điểm.
“Doanh nghiệp đã huy động hết nguồn cung trong nước, làm việc với nhà cung cấp tăng tần suất giao hàng gấp 4 lần so với mọi ngày với hàng thực phẩm tươi sống, đồng thời chủ động nhập khẩu 15 tấn thịt heo nên nguồn cung không có vấn đề lớn,” bà Phương nói.
Về phía Saigon Coop, lượng hàng dự trữ tại 3 tổng kho với số lượng trên 500 tỷ đồng ngay từ đầu mùa dịch. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định sẽ không tăng giá hàng hoá trên toàn hệ thống.
“Từ đêm 6/3 khi có thông tin về ca dương tính với dịch bệnh, Saigon Coop đã chỉ đạo vận chuyển hàng về trong đêm, nguồn hàng dự trữ tại các điểm bán ở Hà Nội với trên 100 tỷ đồng; chuyển nguồn hàng từ trung tâm phân phối miền Nam và miền Tây, rau củ quả từ đà Lạt, thịt từ Visan đủ cung ứng cho thành phố,” đại diện Saigon Coop nói.
Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, trong đó tập trung vào cấp độ 3-4 nhằm đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố.
Cụ thể, theo bà Trần Phương Lan, cấp độ 1-2 là bình thường, cấp độ 3 là có 20 người lây nhiễm, cấp độ 4 là từ 1.000 người trở lên. Với tình hình trên Sở đã xây dựng phương án nếu 1.000 người lây nhiễm cách ly thì xây dựng phương án cho hẳn 5.000 người.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương đã chỉ đạo phòng Quản lý công nghiệp nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước diệt khuẩn để đáp ứng nguồn cung phục vụ nhân dân. Yêu cầu các nhà cung cấp, các nhà sản xuất đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các hệ thống phân phối và phục nhu cầu nhu cầu của nhân dân và kết nối với các địa phương khác sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra…
Không nên bi quan nhưng tuyệt đối không thể chủ quan trong tình hình hiện nay
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý kiến của các dơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp phân phối. Điều này đã cho thấy sự tự tin trong kế hoạch chuẩn bị ứng phó với các diễn biến của dịch Co-vid-19. Bộ trưởng đánh giá, qua các ý kiến, có thể khẳng định, nhiệm vụ và mục tiêu của Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương đã được phối hợp thực hiện hiệu quả. Bài học từ Hà Nội là một bài học quý để chúng ta cùng rút kinh nghiệm. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các diễn biến của dịch bệnh, thậm chí, phải tính đến những hệ quả đi kèm nếu phải cách ly hàng ngàn người, hệ lụy đối với toàn xã hội. "Không nên bi quan nhưng tuyệt đối không thể chủ quan trong tình hình hiện nay" - Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch rất quan trọng nhưng quan trọng không kém là khâu tổ chức thực hiện, cần cả hệ thống vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc họp
Bộ trưởng yêu cầu Vụ TTTN phối hợp chặt với Tổng cục QLTT đảm bảo cung cầu, hàng hóa đầy đủ, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ, đẩy giá lên cao, kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng. "Phải xác định mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa thực hiện mục tiêu kế hoạch của cả năm, nhưng, Bộ trưởng nhấn mạnh, cũng phải thực hiện tốt mục tiêu thứ 3 là đảm bảo, kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp có thể khẳng định chất lượng sản phẩm của mình vì yếu tố uy tín nhưng cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương phải phối hợp để đảm bảo yếu tố này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao Vụ TTTN và Văn phòng Bộ cung cấp thông tin điều hành từ Chính phủ, Bộ Công Thương đến địa phương và các doanh nghiệp, người dân kịp thời, chính xác và minh bạch; Vụ TTTN chủ động cùng địa phương làm việc với hệ thống doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá, không để thiếu hàng, sốt giá, vì đây là vấn đề vô cùng cấp thiết, cả hệ thống cần vào cuộc với trách nhiệm cao.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
Đối với Sở Công Thương thành phố Hà Nội, cần bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ các hàng hóa phục vụ người dân.
"Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ, cần tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất; đồng thời đảm bảo an toàn, nâng cao công tác phòng chống dịch cho người tiêu dùng đến mua sắm tại hệ thống cửa hàng, siêu thị. Nếu có vướng mắc cần hỗ trợ, đề nghị thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương (đầu mối là Vụ Thị trường trong nước) và Sở Công Thương Hà Nội để phối hợp xử lý", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng ngày 07/3/2020 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3-4 lần so với trước. Trong ngày hôm nay, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân, cụ thể:
+ Hệ thống siêu thị BigC đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm thêm 3-4 lần; Làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng; huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm; cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng trước mắt trong vài tuần tới.
+ Công ty BRG Retail: Công ty đã có phương án để đáp ứng nguồn hàng kể cả khi Hà Nội công bố dịch, theo đó đã tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ, riêng mặt hàng gạo đang điều 20 tấn từ phía Nam ra Hà Nội.
+ Công ty MM Megamarket: Khẳng định Công ty và các nhà cung cấp đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường; Công ty đã có sự chuẩn bị từ trước, đã làm việc trực tiếp với các trang trại để bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm; Tại các siêu thị, sắp xếp và yêu cầu nhân viên tăng cường các biện pháp nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất và bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Lê Quyên