Quang cảnh phiên thảo luận sáng ngày 2/6/2022 |
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 02/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, từ đầu năm đến nay dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các ngành, các cấp; sự thống nhất đồng lòng của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên dịch bệnh kiểm soát đẩy lùi, nền kinh tế đang hồi phục hồi, phát triển.
Kinh tế vĩ mô ổn định, công nghiệp thương mại, dịch vụ, nông nghiệp tăng trở lại. Điều đáng mừng là có trên 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; tăng GDP hơn 5%, thu ngân sách cao hơn cùng hơn cùng kỳ, nợ công ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế; đời sống việc làm an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững góp phần củng cố niềm tin và nhân dân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Vệc bình ổn giá xăng dầu ở trong nước ở mức cho phép là điều cần thiết |
Thời gian tới để đạt được mục tiêu đã đề ra, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến một số vấn đề sau: Thu ngân sách vượt dự toán nhưng dự báo là thiếu bền vững; thời gian qua thu nhiều vào dầu thô nên tăng thu là tất nhiên, nhưng mặt trái của tăng thu từ dầu thô là giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất - kinh doah, làm xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động.
"Theo đó, việc bình ổn giá xăng dầu ở trong nước ở mức cho phép là điều cần cho phát triển sản xuất - kinh doanh và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu cũng nêu quan điểm, Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa, khoán bán, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã nhiều năm nay nhưng thực hiện rất chậm, chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra.
“Vì vậy, đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể để thời gian tới quyết liệt đẩy nhanh cổ phần hóa đạt tiến độ, ổn định tư tưởng, việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp có phương án cổ phần hóa, tăng phần nào nguồn thu cho ngân sách và phát triển sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp này. Bởi đa số các doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa là doanh nghiệp lớn”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu.
Giá các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh tạo áp lực lớn đến lạm phát
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, giá các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh như xăng dầu, vật liệu xây dựng, giá các loại phân bón trong nông nghiệp đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, tạo áp lực lớn đến lạm phát của nền kinh tế, làm chậm lại tiến trình phát triển của đất nước
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu tại phiên thảo luận |
Bên cạnh đó, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay đã hơn 1 năm mới phân bổ nguồn vốn nhưng còn thiếu rất nhiều văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội quyết định thực hiện trong 2 năm, đến nay tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản để thực hiện chương trình này còn chậm.
Hoạt động của doanh nghiệp khó khăn trong 4 tháng đầu năm nay, rất nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể hoặc đã giải thể tăng cao so với năm 2021.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đề ra, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề xuất với Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá và dự báo tình hình thận trọng, chính xác, nhận diện đúng tình hình để có kế hoạch ứng phó phù hợp.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề lạm phát và có giải pháp phù hợp, kể cả biện pháp tiếp tục giảm thuế để giảm giá các mặt hàng thiết yếu trong nước.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra và sớm có kết luận đúng, sai đối với vụ việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế trong toàn ngành y tế.
Đồng thời sớm rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế để có những sửa đổi phù hợp để đội ngũ cán bộ y tế sớm ổn định tinh thần, củng cố tổ chức bộ máy và vững tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Cần thực hiện một số giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát
Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra khác của các cơ quan của Quốc hội về kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 bước sang năm 2022, đại biểu Nguyễn Thành Trung - đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái ghi nhận, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực với sự chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch cùng với việc triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung – đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: |
Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng nền kinh tế còn đối mặt với các thách thức. Đại biểu chỉ rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và việc triển khai một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 còn rất chậm nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng. Điều này làm giảm hiệu quả ý nghĩa của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra. Cùng với đó là áp lực về lạm phát có nguy cơ tăng cao, tác động lớn đến sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung cho biết, hiện nay thế giới đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh và chính sách phòng chống COVID-19 của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero COVID-19. Cùng với, chính sách kích thích kinh tế sau đại dịch của nhiều quốc gia trên thế giới tác động chung đến tổng cầu. Do tác động đại dịch chi phí tuyển dụng lao động mới tăng cao, khiến các doanh nghiệp cũng rất là khó khăn.
Xung đột địa chính trị làm cho giá dầu và giá lương thực tăng cao, chưa có xu hướng ổn định và giảm cùng với giá các nguyên liệu đầu vào như sắt, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đội lên. Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới như phân tích trên, đại biểu nhấn mạnh nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao.
Do vậy, để đảm bảo phục hồi và phát triển kinh tế ổn định, an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm người dân có thu nhập thấp, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 một cách có hiệu quả, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường nguyên vật liệu ưu tiên việc phát triển sử dụng nguồn vật liệu trong nước để giảm thiểu tác động bởi xung đột trên thế giới và xung đột trên thế giới và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời theo dõi sát biến động giá các loại vật liệu xây dựng kịp thời, có giải pháp hỗ trợ các nhà thầu thi công khắc phục các khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều hành, điều tiết bình ổn giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như là địa giá dịch vụ y tế, dịch vụ giao được giáo dục. Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực hệ thống kho dự trữ xăng dầu để đáp ứng chủ động và dài hạn nhu cầu của nền kinh tế; dự báo sát tình hình để kịp thời điều hành giá một cách hợp lý.
Ngoài ra, theo đại biểu cũng cần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số của các cơ quan quản lý khu vực, doanh nghiệp có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân để giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế./.