Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt nam đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Song có một thực trạng chung là các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do. Đôi khi điều này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường không nắm được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và vẫn còn thờ ơ với vấn đề này.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong “định vị” thương hiệu, góp phần minh bạch thông tin, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các cá nhân, cộng đồng sở hữu sáng tạo.
Trên thực tế, tài sản của một doanh nghiệp nói chung được chia thành 2 loại: tài sản hữu hình gồm máy móc, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng… và tài sản vô hình gồm các bí quyết kỹ thuật, ý tưởng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, thương hiệu, kiểu dáng và các kết quả vô hình khác được tạo ra bởi các tài năng sáng tạo sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bất kỳ một sản phẩm mới nào được đưa ra thị trường mà thu hút khách hàng thành công thì sẽ sớm trở thành mục tiêu để các nhà sản xuất khác, các đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm tương tự. Trong một số trường hợp, đối thủ cạnh tranh với quy mô sản xuất lớn hơn, khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, có quan hệ tốt với các nhà phân phối hoặc tiếp cận với các nguồn nguyên liệu rẻ hơn và lợi dụng những mẫu mã, thiết kế, kiểu dáng để tạo ra sản phẩm mới tương tự hoặc giống hệt với giá thành rẻ hơn tạo ra được lợi thế cho mình và gây áp lực lớn lên chính chủ của tài sản sở hữu trí tuệ- người có sản phẩm nguyên gốc.
Do đó, có đôi khi chính người sáng tạo gốc bị đẩy ra khỏi thị trường, nhất là sau khi đã đầu tư đáng kể để gây dựng hình ảnh sản phẩm mới nhưng đối thủ mới là người được hưởng lợi mà chẳng mất tí công sức lẫn chi phí gì. Tất nhiên, người sản xuất sản phẩm gốc chẳng thể nào mà đòi lại được tài sản sở hữu trí tuệ của mình do không độc quyền sở hữu tài sản đó.
Do vây, việc đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ đem lại các độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp , thương hiệu, tác phẩm nghệ thuật, văn học và các tài sản sở hữu trí tuệ khác trong một thời hạn nhất định. Hơn nữa, khi có sự độc quyền sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp, cá nhân có thể chuyển giao quyền đó cho người khác để thu lợi nhuận khi không còn nhu cầu sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ đó nữa, nói cách khác khi đăng ký sở hữu trí tuệ làm hữu hình hóa tài sản hữu hình một chút bằng cách tiến hành độc quyền sử dụng chúng là cơ sở duy nhất để bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ này.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sử dụng các phương thức hợp pháp để bảo vệ các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình, chống lại mọi xâm phạm. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không những ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn giải quyết vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và xử lý vấn đề bồi thường thiệt hại.
Chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể lựa chọn để áp dụng trong những trường hợp nhất định. Có hai phương thức để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đó là biện pháp bảo vệ do chủ thể tự bảo vệ (Theo quy định Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ) và biện pháp bảo vệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Lê Thoa