Thủ tục ruờm rà , kèm nhiều điều kiện vô lý
Năm lần, bảy lượt làm đơn xin vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng (Q.9), vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Là DN có tuổi đời hơn 40 năm trong lĩnh vực sản xuất quần áo trẻ em cho thị trường nội địa, ông Sinh chua chát bảo, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề như lúc này. Dịch Covid-19 khiến cho DN của ông Sinh kiệt quệ. Đầu tháng 2, khoản vay của Công ty Minh Long Hưng tại Ngân hàng MB nhảy qua nhóm nợ quá hạn.
Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cuối tháng 2, khi quy định này có hiệu lực thì khoản vay bị nhảy nhóm của công ty không được hồi tố.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
“Bây giờ chúng tôi muốn vay thêm vài tỷ đồng để nhập mẫu vải mới, sản xuất quần áo trở lại nhưng rất khó vì trước đó toàn bộ nhà xưởng đã thế chấp cho ngân hàng để vay đầu tư thiết bị, máy móc. Ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay vì vướng nhiều quy định như tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, hồ sơ thủ tục… theo quy định của từng ngân hàng thương mại. Rốt cuộc, đi nhiều ngân hàng đều không vay được đủ số tiền như mong muốn”, ông Sinh nói.
“Du lịch giờ là chịu chết, vì không thể vay vốn”, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, than vãn. Theo ông Long, ngân hàng đánh giá du lịch là lĩnh vực nhiều rủi ro, trong khi tài sản thế chấp không có nên đồng nghĩa với việc DN vị “bít cửa” vay vốn rẻ. Để tồn tại và bảo đảm đời sống cho nhân viên, ông Long đầu tư máy móc hiện đại và chuyển qua sản xuất khẩu trang y tế đạt chuẩn xuất khẩu, có đơn hàng ở thị trường nước ngoài. “Tôi vác đơn đi vay vốn hỗ trợ DN khó khăn do dịch bệnh, ngân hàng từ chối thẳng vì máy móc, nhà xưởng không được coi là tài sản đảm bảo. Trong khi tôi đầu tư hàng tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất nhưng ngân hàng vẫn lắc đầu. Ngược lại, các công ty tài chính lại sẵn sàng hỗ trợ vốn, nhưng tôi rất e dè, đắn đo vì không khéo sẽ mất cả chì lẫn chài vì lãi suất cắt cổ. Bây giờ chỉ còn biết vay từ bạn bè, người thân… “giật gấu vá vai” cầm cự”, ông kể.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Công ty CP Thiên Anh (Q.12), trước đây, nếu thế chấp tài sản thì chỉ khoảng một tuần sau là hồ sơ vay được phê duyệt, nhưng nay ngân hàng ngâm hồ sơ gần một tháng mà vẫn chưa có câu trả lời. Ông nói rằng, đã đem giấy tờ nhà đi cầm cố để có tiền trả lương công nhân. “Mới đây nhất, một ngân hàng thông báo lãi suất cho vay ngắn hạn 9 tháng, có tài sản thế chấp là 7,5%/năm trong ba tháng đầu; sáu tháng tiếp theo lãi suất là 8,5%/năm. Đây là mức lãi suất vay thông thường, chứ chẳng phải ưu đãi”, ông Minh nói.
Để được xét duyệt hồ sơ vay ưu đãi từ gói 62.000 tỷ đồng, ông Minh được yêu cầu phải chứng minh 50% công nhân thuộc diện có BHXH nghỉ việc, chứng minh công ty không phát sinh doanh thu… “Dù rất khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng giữ người bằng cách giãn việc, nghỉ luân phiên, chứ không thể cho nghỉ hết được. Nếu được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng thì cán bộ, nhân viên sẽ có thêm khoản kinh phí trang trải, nhưng những quy định như trên chẳng khác nào đòi hỏi DN phải phá sản trước khi người lao động được hỗ trợ”, ông than.
DN thoi thóp, ngân hàng quyết giữ lãi suất
Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động ngừng việc (một trong những chính sách thuộc gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng) được triển khai từ cuối tháng 4 nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP HCM, khẳng định, chưa có DN nào trong ngành du lịch trên địa bàn thành phố tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước. Khó khăn của DN du lịch là thường ít tài sản thế chấp; dòng tiền, doanh thu do bị tác động nặng của dịch bệnh nên suy giảm trầm trọng… “DN trong ngành du lịch mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời của ngành ngân hàng bởi những yếu tố này góp phần quyết định sự sống còn của DN kinh doanh du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…”, bà Khánh nói.
Kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải "giật gấu vá vai"
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), nói rằng, gần như chưa có DN nào tiếp cận được gói hỗ trợ từ Chính phủ. Các DN lớn còn trụ được thì bị giảm tới 50% đơn hàng, còn DN nhỏ đã phải đóng cửa hàng loạt. Bà Xuân cho rằng, những khó khăn mà DN phải đối mặt là không hề nhỏ. Nếu đến tháng 10, dịch bệnh qua đi, kinh tế dần phục hồi thì DN có hy vọng cầm cự. Nhưng nếu dịch bệnh vẫn kéo dài đến năm sau thì Nhà nước cần phải có phương án khẩn cấp hỗ trợ, đồng hành với DN.
Trao đổi với nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại tại TP HCM, người này tiết lộ, gần như chưa có sự khác biệt khi giảm lãi với khoản vay hiện hữu so với trước dịch. Với các khoản vay mới, DN vẫn nhận được hỗ trợ từ ngân hàng nhưng cả lãi suất và điều kiện vay đều không thay đổi. Với các khoản vay trung dài hạn, lãi suất vẫn ở mức 8,5%/năm trở lên và phải có tài sản thế chấp. “So với trước dịch, lãi suất chỉ giảm tầm 0,1-0,2%/năm, DN không được giảm quá 0,5%, chứ chưa nói tới mức 1%”, người này nói.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho rằng trong điều kiện lãi suất huy động hiện nay, các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay sâu hơn, đặc biệt là đối với các DN không có phương án kinh doanh tốt. Theo ông Tuệ, hầu hết DN hiện nay đều khó khăn nên các ngân hàng cũng chủ động giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, biên độ giữa lãi đầu vào và đầu ra tại các ngân hàng không còn nhiều.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 7 cho thấy, lãi suất cho vay bằng VNĐ trên thị trường hiện nay phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn; 9-11% với trung dài hạn. Mức lãi suất này gần như không thay đổi so với đầu tháng 5, thời điểm đợt dịch đầu tiên được khống chế. Thậm chí, lãi suất không giảm so với mức bình quân đầu năm 2020.
Nghiên cứu thêm các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Ngày 19/8, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về những nội dung chủ yếu của các dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nước trên thế giới đều có các biện pháp giảm thiểu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Các gói hỗ trợ của các nước đều rất lớn. Do đó, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương phải tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ kịp thời đủ mạnh đối với người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt hơn nữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mạnh mẽ, đặc biệt là chính sách tài khóa mở rộng với mức độ hợp lý để hỗ trợ kích thích tổng cầu, tạo việc làm, thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Phương án dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2021, thậm chí cả giai đoạn 2021- 2025 nếu dịch Covid-19 kéo dài phải tính đến các yêu cầu khoan thư sức dân, tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí. Có chính sách khuyến khích tiêu dùng hợp lý thông qua chính sách thuế, phí, kể cả sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện nước, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế xả thải…
Gia Khánh