Luật Đất đai 2013 đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp như: Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, kể cả diện tích vượt hạn mức giao đất; Cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Qua đó, đã tạo điều kiện thúc đẩy người sử dụng đất mở rộng sản xuất, khuyến khích nông dân gắn bó, yên tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Các quyền của người sử dụng đất được mở rộng, được Nhà nước bảo đảm thực hiện tạo điều kiện để người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai, người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật về đất đai còn có một số hạn chế cản trở sự phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục được tháo gỡ.
Theo TS.Trương Văn Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn (cánh đồng mẫu lớn) và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại nước ta còn thấp. Bên cạnh đó, thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; …
Cùng quan điểm, bà Chu Diễm Hằng, Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng như ban hành các văn bản tháo gỡ vấn đề tích tụ ruộng đất nhằm tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm so với yêu cầu thực tế.
Nhận thức của người dân về tích tụ, tập trung đất đai còn chưa đầy đủ, tâm lý sợ mất đất khiến người dân không cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng, hoặc cho thuê thời hạn hợp đồng ngắn. Bên cạnh đó, chính sách đất đai với thời hạn và hạn điền chưa phù hợp cũng khiến cho chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận.
Ngoài ra, Ths.Nguyễn Thị Bảo Nga cho biết, việc tiếp cận đất nông nghiệp của các chủ thể sản xuất nông nghiệp hiện ở mức thấp và tiếp tục giảm. Trở ngại lớn này lại bắt nguồn từ chính sách về việc tích tụ, tập trung ruộng đất chưa hợp lý của Việt Nam hiện nay. Theo đó, nhiều vướng mắc về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp, quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp,… đang bộc lộ những vướng mắc, gây khó khăn cho phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn.
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, TS.Trương Văn Dũng kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật về đất đai, để thuận lợi cho việc quy hoạch, tích tụ, tập trung đất đai, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa và đi lên sản xuất lớn hiện đại.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, đồng bộ hóa thể chế, pháp luật về đất đai bảo đảm nguyên tắc đất đai thuôc sở hữ toàn dân; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế trong lĩnh vực đất đai phải phù hợp với cơ chế thị trường (vấn đề hạn điền, vấn đề giá đất,..); khắc phục tình trạng nông dân giữ đất rồi bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất, kinh doanh; khắc phục tình trạng nông, lâm trường vừa thực hiện chức năng sản xuất, kinh doanh,, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai.
Theo bà Chu Diễm Hằng, Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, Nhà nước cần đơn giản thủ tục thuế, chuyển nhượng đất đai; các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dồn điền đổi thửa; hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp; phát triển ngành nghề ở nông thôn,…
Ths.Nguyễn Thị Bảo Nga cũng đề xuất, cần hoàn thiện pháp luật về đất đai, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất theo hướng nới rộng hạn điền cho các chủ thể trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực. Chính phủ cần có các quy định và giám sát chặt chẽ trong việc quy hoạch, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo diện tích đất nông nghiệp không bị suy giảm. Bên cạnh đó, cần minh bạch thông tin liên quan đến sử dụng đất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Ngoài ra một số ý kiến chuyên gia cũng đề nghị, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng nới rộng “hạn điền” cho các chủ thể trực tiếp quản lý, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa;….
Trước những tồn tại cũng như vướng mắc phát sinh trên thực tế, để kịp thời tháo gỡ, tại Nghị quyết 18-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, yêu cầu mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn; Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất;…
Thể chế hóa nội dung này, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi cũng đã có quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi còn mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; bổ sung quy định về Ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp; quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp;…/.