Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) |
Sáng 17/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Cơ bản tán thành với các nội dung được sửa đổi, bổ sung
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội; tán thành với 04 mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nội quy kỳ họp được nêu trong Tờ trình của Ban soạn thảo; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp với 24 vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ban soạn thảo đề ra; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cơ bản đã đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, tán thành với đề nghị của Ban soạn thảo về việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.
Tờ trình nêu 24 vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp, trong đó có 05 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Đồng thời, tán thành với đề xuất của Ban soạn thảo và quy định thể hiện trong dự thảo Nội quy kỳ họp đối với 03/05 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, bao gồm quy định về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể không quá 07 phút (Điều 16); quy định về tranh luận với người bị chất vấn (Điều 17); quy định về cơ quan trình (Chính phủ) có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trình Quốc hội trong thời gian giữa 02 kỳ họp (Điều 50) với các lý do đã được nêu trong Tờ trình của Ban soạn thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) |
Liên quan đến vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về quyền của Chủ tọa, người điều hành phiên họp trong việc điều hành linh hoạt phiên họp toàn thể tại Hội trường như thể hiện trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tổng kết thực tiễn điều hành các phiên họp của Quốc hội để nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các trường hợp cần thiết, Chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình.
Trong trình tự chất vấn, biểu quyết, tổ chức phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý lại dự thảo Nội quy kỳ họp theo hướng: chủ thể điều hành phiên họp tại các điều 17, 18, 19 là “người điều hành phiên họp”; xác định rõ “Chủ tịch Quốc hội chủ tọa và điều hành các phiên họp toàn thể của Quốc hội, phiên họp trù bị của Quốc hội; các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội”.
Về biểu quyết tại phiên họp toàn thể, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 18 của dự thảo Nội quy kỳ họp như sau: “3. Khi cần thiết, Quốc hội áp dụng đồng thời hai trong số các hình thức biểu quyết được quy định tại khoản 2 của Điều này theo đề nghị của Chủ tọa.”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, việc áp dụng đồng thời hai hình thức biểu quyết chỉ nên thực hiện trong các trường hợp bất khả kháng. Đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung: Đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau đề nghị Quốc hội biểu quyết trước khi Quốc hội thông qua toàn văn luật, nghị quyết phải được gửi cùng dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua chậm nhất 01 ngày trước phiên biểu quyết thông qua.
Tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản để bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán
Bên cạnh đó, qua thực tiễn tổ chức kỳ họp thứ nhất tại một số nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy còn có sự lúng túng trong việc xác định tài liệu tại Kỳ họp thứ nhất do cơ quan của nhiệm kỳ cũ hay nhiệm kỳ mới phát hành và trình Quốc hội. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về việc phát hành tài liệu tại Kỳ họp thứ nhất để có cơ sở thực hiện ổn định, thống nhất; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn gửi tài liệu trong một số trường hợp đặc biệt.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp |
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung Báo cáo tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vào hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về Nghị quyết kỳ họp theo hướng xác định rõ vai trò chỉ đạo chuẩn bị dự thảo Nghị quyết kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trách nhiệm chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo Nghị quyết kỳ họp của Tổng Thư ký Quốc hội; trách nhiệm phối hợp soạn thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết thêm, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, làm rõ khái niệm “tranh luận”, “chất vấn”, “chất vấn lại” để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bổ sung quy định đầy đủ và cụ thể hơn về việc tổ chức các phiên họp, cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội.
Quy định cụ thể hơn các hình thức phát hành kỷ yếu của kỳ họp Quốc hội; Bổ sung quy định về việc: kèm theo phiếu xin ý kiến phải có văn bản giải trình sơ bộ về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Đề nghị nghiên cứu cải tiến thủ tục ghi biên bản kỳ họp và tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong dự thảo Nội quy kỳ họp với các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, chính xác trong cách sử dụng từ ngữ, cách thể hiện các quy định.
Rõ chính kiến quan điểm khi cho ý kiến các nội dung dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, để triển khai chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch số 81 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Kết luận số 19 ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi ý nội dung thảo luận |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, ý kiến tham gia thẩm tra, góp ý của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến hội thảo, tọa đàm, Ban soạn thảo đã khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, hồ sơ dự thảo nghị quyết đã đủ điều kiện bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4, theo quy trình một kỳ họp như đề xuất của Ban soạn thảo. Về vấn đề này cơ quan thẩm tra đã nhất trí chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Hai là, sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi với chủ trương, đường lối của Đảng, mục đích, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành và tính khả thi.
Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ quan điểm, chính kiến về 5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau được Ban soạn thảo nêu trong tờ trình, về các nội dung cụ thể khác mà Thường trực Ủy ban Pháp luật đã nêu trong báo cáo thẩm tra sơ bộ.