Trong báo cáo “Doanh nghiệp sau giai đoạn Covid-19: Triển vọng lợi nhuận năm 2020 và Kết quả 6 tháng đầu năm 2020” mới đây, FiinGroup đã phân tích lợi nhuận thực tế và triển vọng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại.
Triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng đã thay đổi tích cực so với kế hoạch kinh doanh ban đầu. Ảnh TTXVN
Theo đó, triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng đã thay đổi tích cực so với kế hoạch kinh doanh ban đầu. Nhóm ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 4,9% so với năm 2019 bất chấp ảnh hưởng của Covid-19 và lợi nhuận trước thuế được các chuyên gia dự báo giảm 11,9%.
Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khá (> 10%) bao gồm BIDV (17%) và VCB (10%). Một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn có triển vọng lợi nhuận tăng trưởng bao gồm EIB (21,7%), HDB (12,6%) và VIB (10,2%).
Hiện chỉ có VietinBank (CTG) chưa chốt kế hoạch lợi nhuận 2020 trong khi 18 ngân hàng khác vẫn dự báo sẽ có mức tăng trưởng bình quân lợi nhuận sau thuế ở mức 4,9% và được tính toán tăng trưởng ở mức 0,8% sau khi điều chỉnh pha loãng.
Báo cáo của FiinGroup đánh giá đây là một dấu hiệu khá tích cực, triển vọng thay đổi được xem là “rất sáng” của ngành Ngân hàng. Điều này một phần thể hiện được sự tự tin về triển vọng kinh doanh của Ngành và trên cơ sở những chính sách về quy định hạch toán của các ngân hàng đối với dư nợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Triển vọng này hoàn toàn có cơ sở khi FiinGroup phân tích số liệu về lợi nhuận các ngân hàng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng đã hoàn thành 51,9% kế hoạch lợi nhuận năm 2020, ngoại trừ MBB và SHB ghi nhận sự giảm nhẹ thì 8 ngân hàng còn lại đã công bố đều duy trì tăng trưởng tốt về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao trên 20% trong quý II/2020, bao gồm VIB (41%), HDB (39,7%), CTG (38,9%), TPB (30,4%) và VPB (20,6%). Các ngân hàng này hầu hết đều là các ngân hàng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng.
Bên cạnh việc duy trì lợi nhuận tín dụng từ danh mục dư nợ cũ, các ngân hàng cũng tiếp tục được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư chứng khoán, nhất là đầu tư và kinh doanh trái phiếu. Riêng TPB thì gần đây nổi lên là “ngôi sao” trong việc phát hành và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp.
“Điều này đạt được nhờ vào mặt bằng lãi suất/lợi tức trái phiếu chính phủ tiếp tục duy trì ở mức thấp và qua đó giúp các ngân hàng có nguồn lợi nhuận chưa thực hiện từ danh mục trái phiếu”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Tuy nhiên, thách thức được đặt ra với các ngân hàng khi chính sách hạch toán của ngân hàng tác động hai chiều đến triển vọng này. Theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ vẫn được hạch toán là nợ đủ tiêu chuẩn và không phải trích dự phòng. Điều này vừa là cơ sở cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận nhưng cũng sẽ ảnh hưởng tới chi phí dự phòng cho chất lượng tín dụng khi chính sách này thay đổi.
Bên cạnh đó, sức khỏe tài chính và khả năng chi trả lãi vay của doanh nghiệp đi xuống trong khi những ảnh hưởng của dịch bệnh đến thu nhập người tiêu dùng, nhất là trong một số ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, đi lại, xuất khẩu… của Việt Nam sẽ làm cho chất lượng tín dụng của các ngân hàng bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Các chuyên gia của FiinGroup cho rằng: “Tác động của Covid-19 đối với chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng tại Việt Nam sẽ có độ trễ nhất định”
Minh chứng cho nhận định này, báo cáo đã đưa ra dẫn chứng về cuộc khủng hoảng 2008. Các chuyên gia đã theo dõi chi phí dự phòng có độ trễ khoảng 4 quý và việc thông qua cơ chế trái phiếu đặc biệt VAMC mà phần lớn các ngân hàng đã giải quyết xong nhưng có ngân hàng vẫn còn phân bổ đến tận năm vừa qua.
Trong báo cáo, các chuyên gia kỳ vọng, sự duy trì tăng trưởng cao hiện nay và dư địa cho các năm tới của ngành ngân hàng sẽ góp phần hấp thụ chi phí tín dụng đối với một số ngành phụ thuộc vào xuất khẩu hoặc thương mại - du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Gia Khánh