Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, tuyến đường Nguyễn Khuyến, hồ Văn Quán xảy ra tình trạng ngập sâu, giao thông ùn tắc nghiêm trọng. Nước ngập sâu khiến nhiều phương tiện giao thông bị chết máy, người dân phải bì bõm lội nước.
Một tài khoản đăng tải trên các hội nhóm về thông tin ngập lụt, tắc đường tại Hà Nội. "Tình hình mưa lớn sáng sớm nay, tuyến đường Nguyễn Khuyến, Hồ Văn Quán có ổn không các bác ơi". Trong khoảng 10 phút sau, có đến vài chục câu trả lời, đều cho biết khu vực này đang chìm trong biển nước, lưu thông rất khó, một số xe còn bị chết máy.
Đường ven hồ Văn Quán ngập nặng sau cơn mưa lớn vào sáng sớm ngày16/9. |
Ngập trên đường Thái Hà. |
Các tuyến đường ngập úng khiến giao thông đi lại khó khăn. |
Nước ngập sâu trong con ngõ ở đường Chiến Thắng. |
Tương tự, tình trạng ngập cũng xảy ra tại nhiều tuyến đường khác như: Nguyễn Tuân, QL32, đường Quang Trung, Dương Đình Nghệ, đường Cầu Bươu - đoạn qua khu vực ngã tư Xa La, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Nguyễn Khuyến, Chiến Thắng (Hà Đông),...
Tại các tuyến đường ngập nhẹ, việc lưu thông tuy khó khăn nhưng phương tiện giao thông vẫn có thể di chuyển. Riêng tại các điểm ngập sâu, giao thông đình trệ. Lượng phương tiện vào ngày đầu tuần rất đông, lại thêm ngập, tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.
Khu vực hồ Văn Quán, mặt nước trong hồ dâng cao. |
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 5 giờ 30 sáng 16/9, khu vực nội thành Hà Nội có mưa to đến rất to.
Dự báo trong 6 giờ tiếp theo, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 20 - 40 mm, có nơi trên 50 mm.
Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 10 - 20 cm. Đáng chú ý, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu 25 - 30 cm.
Tại Quận Tây Hồ, một số tuyến có khả năng ngập như: Thụy Khuê, Phú Xá... Q.Ba Đình có phố Thành Công, Huỳnh Thúc Kháng, La Thành, Liễu Giai, Điện Biên Phủ, Núi Trúc, Ngọc Khánh, Nguyễn Trường Tộ...
Quận Hoàn Kiếm có phố Phùng Hưng, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt, Nguyễn Siêu - ngõ Gạch, Tông Đản…
Quận Đống Đa có phố Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Kim Liên...
Quận Thanh Xuân có phố Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Ngọc Nại, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Phùng Khoang, đường Tố Hữu (đoạn từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn)…
Quận Cầu Giấy có ngã tư Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên (phía sau tòa nhà Keangnam), Hoàng Quốc Việt (gần Trường đại học Điện lực), Phan Văn Trường, Phùng Chí Kiên, Trần Bình, Hoa Bằng…
Quận Hà Đông có phố Triều Khúc, đường Quyết Thắng, Phùng Hưng, Tô Hiệu, Yên Nghĩa...
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại một số khu vực tính đến thời điểm 6h30 đều ở mức cao. Cụ thể, tại quận Thanh Xuân, lượng mưa lên tới 154,5mm, Hoàng Mai đạt mức 126mm, Nam Từ Liêm, Hà Đông , Hai Bà Trưng, Ba Đình... đều ở mức trên 100mm. Khu vực ngoại thành, huyện Đông Anh ghi nhận lượng mưa lớn nhất thành phố, lên tới gần 230mm. Các điểm ngập úng nghiêm trọng gồm: Thái Hà, Quan Nhân, Bùi Xương Trạch, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Tuân, Cự Lộc, Nguyễn Khuyến, ngã 3 Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, Phùng Hưng, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê, Cao Bá Quát, Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn), Hầm chui (số 3, 5, 6, Km9+656), Triều Khúc, Cầu Bươu, Yên Xá, Khu Tổng cục V - Bộ Công An, đường Tố Hữu, Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa - ngã ba Ba La),.. Các lực lượng chức năng đang tích cực xử lý, khơi thông dòng chảy, vận hành trạm bơm để sớm khắc phục tình trạng ngập úng. |