Thời gian qua, trên cơ sở các quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình, các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao đã đưa ra các giải pháp để tổ chức thực hiện. Trong đó tập trung vào sản xuất an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói. Kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước.
Tỉnh Hòa Bình cũng ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp, HTX thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản cũng được quan tâm thực hiện.
![]() |
Hòa Bình tìm giải pháp cho sản phẩm mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu |
Dưới sự chỉ đạo của tỉnh; nỗ lực hỗ trợ sản xuất từ các cơ quan chuyên môn và địa phương; sự chủ động của doanh nghiệp, HTX và sự cần cù, sáng tạo của người sản xuất, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được xuất khẩu, từ đó nâng cao thương hiệu và giá trị nông, lâm sản địa phương.
Hiện, đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức... (tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021). Đặc biệt, từ việc cấp 21 MSVT cho tổng diện tích canh tác 168,7 ha và sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản của tỉnh sang những thị trường lớn.
Toàn tỉnh Hòa Bình có 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ.
Tại các địa phương dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa, chuỗi liên kết và tiêu thụ phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, các tiêu chuẩn về ATTP như: Chuỗi cam các loại của HTX nông trại xanh Gfarm Việt Nam (Lạc Thủy); chuỗi rau an toàn của HTX nông nghiệp hữu cơ Thành An (Lương Sơn); chuỗi chế biến măng các loại của Công ty CP Kim Bôi...
![]() |
Tính cạnh tranh của nông sản, hiệu quả sản xuất chưa cao... dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Ảnh minh họa |
Liên tiếp trong thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản của tỉnh với quy trình sản xuất ngày càng nâng lên đã dần đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, đa số mặt hàng được xuất khẩu ở dạng tươi, số sản phẩm xuất khẩu đã qua sơ chế, chế biến chưa nhiều. Nguyên nhân là do một số vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh được hình thành nhưng chưa tổ chức bài bản, hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng những yêu cầu xuất khẩu. Việc xây dựng MSVT cũng mới được quan tâm vài năm trở lại đây. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ nên khó áp dụng công nghệ cao và kiểm soát an toàn thực phẩm. Tính cạnh tranh của nông sản, hiệu quả sản xuất chưa cao... dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Để chinh phục được các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tăng giá trị và hiệu quả sản xuất cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đề ra phương châm phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xanh, xanh hơn và xanh hơn nữa.
Cùng với nhiều giải pháp đã, đang được các cấp, ngành, địa phương thực hiện, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ngay từ những tháng đầu năm 2023, ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo về an toàn thực phẩm, đáp ứng được những yêu cầu của đối tác mua hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát, hậu kiểm tại các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản và lưu thông nhằm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ thương hiệu nông sản...