Phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát cho biết, tại phiên họp thứ nhất, Đoàn giám sát sẽ công bố công khai các nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát, nghị quyết về danh sách các thành viên Đoàn giám sát; phân công nhiệm vụ của thành viên, đại biểu tham gia Đoàn giám sát và cho ý kiến về dự thảo kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” được thành lập nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Từ đó, Đoàn giám sát cũng sẽ kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát |
Về nội dung giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và các công văn hướng dẫn việc thực hiện các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng sẽ khảo sát, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021, bao gồm: Quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng; Cung cầu và an ninh năng lượng; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải; Khoa học, công nghệ trong phát triển năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Hợp tác quốc tế; Một số dự án năng lượng trọng điểm.
Để quá trình giám sát diễn ra hiệu quả, đạt được những mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; Thực hiện đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Đoàn giám sát tích cực, chủ động đổi mới cách thức, phương pháp triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, lựa chọn các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm mục đích yêu cầu giám sát; phân công, phối hợp, triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo.
Các thành viên Đoàn giám sát tại phiên họp |
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, đối tượng giám sát của chuyên đề này bao gồm Chính phủ; các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phạm vi giám sát gồm: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng theo quy định của pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch).
Về phương thức hoạt động, Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ban hành.
Đại biểu cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát |
Bên cạnh đó, căn cứ vào tiến độ thực hiện các hoạt động, Đoàn giám sát quyết định tổ chức các phiên họp để triển khai thực hiện các nội dung công việc, bao gồm: công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát; nghe báo cáo tổng hợp kết quả xem xét các báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát và báo cáo kết quả giám sát tại địa phương (nếu có) và những vấn đề cần quan tâm trước khi làm việc với Chính phủ;
Thảo luận, cho ý kiến và thông qua dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức làm việc với địa phương, tổ chức, cá nhân, làm việc với Chính phủ, Bộ, ngành, cơ quan có liên quan để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung báo cáo kết quả giám sát…
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát và dự thảo các Đề cương báo cáo của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, và nội dung yêu cầu các cơ quan tổ chức chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát; quán triệt, thống nhất, phân công thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn giám sát./.