![]() |
Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trên thị trường vàng thế giới. |
Mở cửa phiên giao dịch 9/4, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp SJC, PNJ đẩy lên 98,3 triệu đồng/lượng mua vào, 100,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm khoảng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. So với sáng hôm qua, giá vàng miếng tăng khoảng 1 triệu đồng.
Tương tự, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 các loại cũng tăng 300.000 đồng lên 98,2 triệu đồng/lượng mua vào, 100,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Chốt phiên giao dịch 8/4, giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,1% lên 2.984 USD/ounce, sau khi tăng tới 1,3% vào đầu phiên. Giá vàng giao tương lai tăng 0,5% lên 2.990,2 USD.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 9/4, thị trường biến động trái chiều. Tại thời điểm 6h30 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay giảm 0,11% xuống 2.979,4 USD, theo kitco, trong khi giá vàng giao tháng 6 tăng gần 0,1% lên 2.992,2 USD.
Giá vàng thế giới trong tuần này từ 8-14/4 được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị, dẫn đến khả năng biến động mạnh. Hiện tại, giá vàng giao ngay dao động quanh mức 3.010-3.030 USD/ounce, nhưng xu hướng có thể thay đổi tùy thuộc vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.
Những mức thuế quan trả đũa qua lại giữa các nước, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với các dữ liệu kinh tế sắp công bố từ Mỹ và các tín hiệu chính sách tiền tệ từ biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI)... sẽ tác động tới xu hướng giá vàng.
Nếu các số liệu cho thấy lạm phát tăng cao hoặc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu thận trọng về việc cắt giảm lãi suất, giá vàng có thể chịu áp lực giảm, thậm chí lại trở lại xuống dưới mốc 3.000 USD/ounce. Ngược lại, nếu lạm phát dịu đi hoặc Fed nghiêng về chính sách nới lỏng, vàng có thể phục hồi và tiến tới mức 3.100 USD/ounce.
![]() |
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn, hỗ trợ giá vàng tăng. |
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc không trì hoãn áp thuế, cũng là yếu tố quan trọng. Bất ổn này thường thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn, hỗ trợ giá vàng tăng.
Dù vậy, những cú tụt giảm trên các thị trường chứng khoán, tiền số, hàng hóa (dầu khí... ) có thể khiến vàng giảm theo.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá vàng có thể dao động trong biên độ 2.960-3.100 USD/ounce. Dù vậy, việc chốt lời từ các nhà đầu tư lớn cũng có thể gây ra những đợt điều chỉnh giảm bất ngờ.
Theo tờ Wall Street Journal, giới đầu tư lo ngại trật tự thương mại thế giới có thể sụp đổ, giống như những năm 1930. Lần cuối cùng Mỹ tăng thuế quan mạnh mẽ như Tổng thống Trump đã tuyên bố là vào năm 1930. Sau khi Tổng thống Mỹ Herbert Hoover ký luật thuế quan Smoot-Hawley vào năm đó, thương mại toàn cầu đã sụp đổ, làm trầm trọng thêm sự suy thoái của thế giới.
Trung Quốc và Mỹ tiếp tục cuộc chiến thuế quan, không bên nào nhượng bộ. Một số nhà quan sát thị trường đang tập trung vào khả năng Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ để Trung Quốc có được lợi thế thương mại toàn cầu tốt hơn. Các báo cáo cho biết ngân hàng trung ương Trung Quốc đã làm suy yếu tỷ giá tham chiếu hàng ngày vượt qua mức 7,2 ND/USD. Đồng NDT đang ở gần mức yếu nhất so với USD kể từ tháng 9/2023.
Theo khảo sát của Kitco, các chuyên gia phân tích từ Phố Wall tỏ ra thận trọng về triển vọng giá vàng trong tuần này, trong khi các nhà đầu tư cá nhân vẫn kỳ vọng vào khả năng phục hồi của kim loại quý.