Công ty Jindal Steel and Power Ltd (JSPL), một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu của Ấn Độ, dự kiến sẽ sản xuất ở mức kỉ lục 7,5 triệu tấn hợp kim trong năm tài khoá này (bắt đầu vào 1/4) sau khi đặt cược vào nhu cầu cũng như giá sắt thép trong nước và nước ngoài.
Theo Reuters, trong giai đoạn năm 2020 - 2021, công ty có khả năng xuất khẩu 2,5 triệu tấn thép, ghi nhận mức tăng mới so với mốc 300.000 tấn của năm trước đó.
Nguyên nhân là nhờ đơn đặt hàng ngày càng nhiều từ những quốc gia tiêu thụ bán thành phẩm như Trung Quốc và Việt Nam, cũng như các nơi yêu cầu các sản phẩm thép dẹt như châu Âu và Saudi Arabia.
Khi thế giới đang vật lộn với tình trạng thiếu thép thì nhu cầu tại các quốc gia tiêu dùng hàng đầu thế giới nói trên cũng tăng mạnh. Tính đến thời điểm này, JSPL đã đạt một nửa mục tiêu xuất khẩu cho năm nay.
Giá thép giao dịch xuống mức 3.551 nhân dân tệ/tấn trong phiên đầu tuần
Đến tháng 7, JSPL đã xuất khẩu 1,6 triệu tấn bán thành phẩm và thép tấm. Kể từ tháng 8, công ty cũng đã có thêm nhiều khách hàng ở châu Âu, Nam Phi, Saudi Arabia và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi nhu cầu đối với các sản phẩm dẹt, đặc biệt là thép tấm tăng mạnh.
Các nhà máy thép của Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi lượng xuất khẩu từ tháng 4 đến tháng 7 để đạt mức cao nhất trong ít nhất 6 năm nhờ vào nhu cầu tiêu thị tăng cao ở Trung Quốc, bất chấp căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh trong việc tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya.
Tại thị trường trong nước, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tính riêng trong tháng 8, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,3 triệu tấn, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2019.
Bán hàng thép các loại cũng tăng 5,9% so với tháng 7, lên mức 2 triệu tấn. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thép bán ra trong tháng cũng tăng 13,9%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 462.138 tấn, tăng 8,81% so với tháng trước và tăng 29,9% so với tháng 8/2019.
Như vậy, tính chung 8 tháng, sản xuất thép các loại đạt hơn 16 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ. Còn bán hàng thép các loại đạt 14,4 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu thép các loại giảm 13,8% so với cùng kỳ 2019, xuống còn 2,7 triệu tấn.
Thêm vào đó, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ nhu cầu thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Theo Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, tiêu dùng thép của quốc gia này kỳ vọng tăng thêm 40 triệu tấn, qua đó, nhu cầu thép Trung Quốc có thể tăng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm và tính chung cả năm thì tăng 2%. Trong nửa đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung quốc 1,06 triệu tấn thép, gấp gần 15 lần cùng kỳ năm trước và chiếm 27% giá trị xuất khẩu thép.
Đức Thiện