Với những người làm việc trong ngành dầu khí, Biển Đông lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của họ gắn liền với Biển Đông. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bắt đầu khai thác dầu khí trên biển từ năm 1986 nhưng phải sau hơn hai thập kỷ mới có một dự án, công trình mang tên Biển Đông.
Dự án Biển Đông 01 là dự án trọng điểm Quốc gia, đã vượt qua những thách thức to lớn và phát triển thành công các mỏ khí – condensate Hải Thạch (Lô 05-2) và Mộc Tinh (Lô 05-3) nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn (NCS), thềm lục địa Việt Nam, hai mỏ này nằm cách nhau khoảng 20km, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 320km về phía Đông Nam.
Mỏ Mộc Tinh được phát hiện năm 1993 bằng giếng khoan 05-3-MT-1X. Sau đó, Mỏ Hải Thạch được phát hiện năm 1995 bằng giếng khoan 05-2-HT-1X. Với những điều kiện đặc biệt phức tạp tại khu vực này mà Tập đoàn dầu khí BP (nhà điều hành chính của các dầu khí Lô 05-2 và 05-3) và tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài phải rút lui sau 17 năm hoạt động tìm kiếm thăm dò và chi phí rất lớn hơn nửa tỷ đô la Mỹ.
Là một dự án với điều kiện địa chất đặc biệt phức tạp, nước sâu – cận sâu (118 – 145m nước), xa bờ lại nằm trong khu vực có dị thường áp suất rất lớn, hệ thống dầu khí đặc biệt phức tạp của bể NCS và là dự án đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á có điều kiện áp suất rất cao (890 atm), nhiệt độ cao vượt ngưỡng (hơn 190 độ C) được đưa vào phát triển.
Đây là dự án có quy mô lớn nhất tính đến năm 2020 tại Việt Nam với tổng khối lượng kết cấu lên tới hơn 60.000 tấn, đòi hỏi các tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật – công nghệ. Ngược dòng lịch sử, hoạt động thăm dò – khai thác dầu khí ở Lô 05-2 và Lô 05-3 đã được triển khai từ năm 1992 trên cơ sở hai hợp đồng phân chia sản phẩm (PSCs) với sự tham gia của các nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Anh quốc (BP), ConocoPhillips và Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP).
Về quy mô, tổng khối lượng chế tạo của dự án Biển Đông 01 vào khoảng hơn 40.000 tấn. Nếu bao gồm cả thi công cọc thì tổng khối lượng chế tạo vào khoảng 60.000 tấn. Con số này bằng 20% tổng khối lượng chế tạo suốt trong 25 năm trước đó của toàn ngành Dầu khí, hoặc gấp 2 lần tổng khối lượng chế tạo của riêng công ty PTSC M&C suốt 10 năm từ khi thành lập.
Về độ sâu, đây là công trình giàn cố định có độ sâu nhất Việt Nam, lên đến 135m. Nếu tính cả chiều cao của khối thượng tầng (topside) trên mặt biển thì toàn bộ 3 giàn khai thác của dự án Biển Đông 01 đều có chiều cao trên 150m. Riêng giàn xử lý trung tâm (PQP) có tổng chiều cao 250m. Độ cao này giúp đây là công trình đứng thứ 3 về chiều cao tại Việt Nam sau tòa nhà Keangnam ở Hà Nội và tháp Bitexco ở thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án Biển Đông 01 gồm nhiều hạng mục: Chân đế & Giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch, Chân đế & Giàn Mộc Tinh 1, cầu dẫn với khoảng 70km đường ống, 20 km cáp ngầm. Tổng khối lượng chế tạo, lắp đặt của dự án Biển Đông 01 lên tới trên 60.000 tấn, trong đó riêng chân đế giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch nặng trên 16.000 tấn, khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm nặng trên 12.000 tấn. Để hoàn thành Giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch, PTSC M&C đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được tích lũy hiệu quả và sử dụng rất nhiều bản vẽ thiết kế chi tiết, phức tạp. Trong thời gian thi công cao điểm, Ban dự án đã phải huy động nguồn lực trên 3.000 cán bộ kỹ sư, công nhân lao động tay nghề cao, làm việc 24/24h để đáp ứng thực hiện hoàn thành Dự án đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và hiệu quả công trình thi công.
Tập thể Công ty Biển Đông POC đã cùng các nhà thầu từng bước chinh phục các cột mốc quan trọng của dự án: Khoan và hoàn thiện giếng an toàn các giếng áp suất cao, nhiệt độ cao, với tốc độ trung bình nhanh hơn các giếng thăm dò lân cận 30%. Sau đó tổ chức vận hành khai thác và quản lý địa chất mỏ liên tục, ổn định và hiệu quả với sản lượng ổn định như thiết kế ban đầu và thời gian vận hành liên tục trên 99,23% (cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung của giàn khai thác mới trên thế giới lúc đó là khoảng 94%).
Đặc biệt, với cột mốc hơn 25 triệu giờ công làm việc hoàn toàn không để xảy ra bất kỳ sự cố nào về người và thiết bị cho toàn bộ dự án, thiết lập một kỷ lục mới về công tác an toàn trong quá trình thi công, lắp đặt, vận hành các công trình dầu khí tại Việt Nam. Việc phát triển thành công dự án khai thác khí - condensate Hải Thạch - Mộc Tinh phù hợp với chiến lược phát triển của Ngành dầu khí Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chiến lược, kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng.
Giàn Hải Thạch về đêm |
Sự kiện dòng khí thương mại đầu tiên từ mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh được khai thác và đưa vào đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn vào ngày 06/09/2013. Cho đến nay Biển Đông 01 đã trải qua hơn 7 năm khai thác liên tục, 4 năm an toàn, hiệu quả và là nhà cung cấp khí lớn thứ hai tại Việt Nam, ghi nhận những thành công mới của quá trình hơn 27 năm nghiên cứu và tổ chức triển khai các hoạt động dầu khí tại các Lô 05- 2 và 05-3, làm nên những kỳ tích mới cho ngành Dầu khí Việt Nam. Nghiên cứu, phát triển các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ của Cụm công trình này là phần cốt lõi cấu thành không thể thiếu để phát triển dự án thành công như ngày hôm nay.
Tiến sĩ Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc Biển Đông POC khẳng định: Các giải pháp khoa học – công nghệ được nghiên cứu, phát triển và áp dụng thành công đã tiết kiệm chi phí và hiệu quả mang lại hơn 602,3 triệu đô la Mỹ, trong đó tính riêng các giải pháp xây dựng mỏ là 467,9 triệu đô la Mỹ; nghiên cứu, phát triển và áp dụng công nghệ khoan và hoàn thiện giếng ở điều kiện đặc biệt phức tạp đã mang lại hiệu quả hơn 77,73 triệu đô la Mỹ, nhóm giải pháp sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong khâu tổ chức vận hành khai thác đã mang lại hiệu quả hơn 56,4 triệu đô la Mỹ.
Việc phát triển thành công và khai thác hiệu quả hai mỏ khí - condensate Hải Thạch và Mộc Tinh nhờ nghiên cứu và áp dụng những giải pháp khoa học - công nghệ đã và đang đem lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn cho đất nước. Lượng khí khai thác đã góp phần bổ sung quan trọng cung cấp cho các nhà máy điện - đạm tại khu vực Đông Nam Bộ trong bối cảnh sản lượng khai thác khí bị suy giảm nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển hệ thống khí - điện/ đạm cho nước nhà.
Với sản lượng khai thác liên tục trung bình 2 tỷ mét khối và 2,5 triệu thùng condensate mỗi năm, sau gần 8 năm khai thác, cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã mang về hơn 14,7 tỷ m3 khí và hơn 23,5 triệu thùng condensate, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
9 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của BIENDONG POC đạt 104% kế hoạch 9 tháng, tương ứng với 80% kế hoạch năm 2021. Từ đó, nâng tổng doanh thu lũy kế tính đến 30/9/2021 của Công ty đạt hơn 3,94 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành là 3,58 tỷ USD. Đồng thời, BIENDONG POC đã đạt được những cột mốc quan trọng sau hơn 8 năm khai thác (First Gas) như: khai thác đạt 24 triệu thùng condensate (15/8/2021), đạt 26 triệu giờ công an toàn (24/8/2021) và đạt cột mốc 15 tỷ mét khối khí (24/9/2021).
Có thể nói Dự án Biển Đông 01 thành công không những mở ra cho công nghiệp dầu khí Việt Nam hướng đi mới và khả năng chinh phục các mỏ dầu có cấu tạo phức tạp, đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân mà còn đã trở thành một tiền đồn của Tổ quốc trên biển.
Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Biển Đông 01 đã cứu giúp cho hơn 200 ngư dân bị nạn trên biển dạt vào giàn. Có những trường hợp phải thuê máy bay trực thăng đưa người bị trọng bệnh về đất liên cứu chữa. Với bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ thì ánh đèn trên cụm giàn Biển Đông 01 và là chỗ dựa cực kỳ thân thiết.