Nghị quyết 68/NQ-TW ngày 04/05/2025 đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, và nhiệm vụ “tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu” là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và vận hành theo nguyên tắc thị trường, nhu cầu về một hệ thống tư pháp chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả là điều kiện then chốt để tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, việc thành lập các tòa chuyên trách về phá sản và SHTT được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử.
Nội dung này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và thảo luận sâu tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV khi xem xét dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
![]() |
Tài sản trí tuệ không chỉ là một yếu tố nội tại trong chiến lược kinh doanh, mà còn là tài sản vô hình có giá trị ngày càng lớn đối với doanh nghiệp (Ảnh minh họa) |
Nền tảng pháp lý cho một nền kinh tế minh bạch, sáng tạo
Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 19/5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh rằng việc giải quyết án phá sản và sở hữu trí tuệ hiện nay chưa phải là vấn đề quá lớn về số lượng. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế, đây là những lĩnh vực mang tính chiến lược, có ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Khi bỏ tiền đầu tư, người ta cũng cần phải kết thúc nếu hoạt động không hiệu quả”, ông Trí nói. Theo ông, phá sản là một nhu cầu tự nhiên của doanh nghiệp.
Về sở hữu trí tuệ, ông Trí phân tích, đây không chỉ là một yếu tố nội tại trong chiến lược kinh doanh, mà còn là tài sản vô hình có giá trị ngày càng lớn. Các quốc gia phát triển đã rất coi trọng việc bảo hộ tài sản trí tuệ và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Sự hiện diện của một tòa chuyên trách về SHTT sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả để doanh nghiệp yên tâm sáng tạo, từ đó thúc đẩy đổi mới, phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế sâu hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng việc thành lập các tòa chuyên trách là phù hợp với xu hướng chuyên môn hóa và phân hóa hoạt động tư pháp. Theo ông Bình, các vụ việc thuộc lĩnh vực phá sản và sở hữu trí tuệ thường mang tính chất phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, liên ngành. Việc có các tòa chuyên trách sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét xử, tạo tiền đề xây dựng án lệ và thống nhất thực tiễn. Tuy nhiên, ông Bình cũng cảnh báo về nguy cơ dàn trải nếu không có tiêu chí cụ thể về địa bàn thành lập, số lượng vụ việc phát sinh và nguồn nhân lực chuyên môn.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) bổ sung thêm rằng việc thành lập tòa chuyên trách không chỉ cần thiết mà còn cấp thiết, nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị thành lập các trung tâm tài chính quốc tế. Những tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ và phá sản sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong môi trường kinh doanh có yếu tố nước ngoài. Do đó, tòa án cần đi trước một bước, chuẩn bị đội ngũ thẩm phán có chuyên môn sâu để xử lý các vụ việc này hiệu quả, nhanh chóng và chuẩn xác.
![]() |
Những tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ và phá sản sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong môi trường kinh doanh có yếu tố nước ngoài (Ảnh minh họa) |
Với góc nhìn từ môi trường đầu tư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng hệ thống pháp luật ổn định và cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy là yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư quốc tế. “Nếu thiếu một hệ thống pháp luật và thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy thì chắc chắn không có một nhà đầu tư nào dám để lại 1 USD, cho dù có miễn thuế 100% hay cơ sở hạ tầng hiện đại đến mấy”, bà Thủy phát biểu. Bà dẫn ví dụ về Trung tâm tài chính quốc tế tại Dubai, nơi có tòa án riêng, áp dụng hệ thống thông luật (Common Law), tách biệt với hệ thống pháp luật nội địa, giúp tăng niềm tin tuyệt đối của nhà đầu tư toàn cầu.
Cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt
Trước đó, ngày 08/05, khi trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí cho biết dự luật bổ sung quy định tại một số Tòa án nhân dân khu vực có Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Tòa án nhân dân tối cao dự kiến tổ chức 03 Tòa Phá sản tại 03 Tòa án nhân dân khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM; tổ chức 02 Tòa Sở hữu trí tuệ tại 02 Tòa án nhân dân khu vực ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc bố trí các Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc này; đồng thời, để hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế. Việc quy định các Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ nêu trên không làm phát sinh đầu mối, không làm tăng biên chế và trụ sở làm việc.
![]() |
Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí |
Tại phiên thảo luận ngày 19/05, nội dung thành lập các tòa chuyên trách nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này nhưng cũng nhấn mạnh cần có lộ trình và điều kiện cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực, tăng chi phí vận hành mà không đạt hiệu quả tương xứng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) là một trong những người thể hiện quan điểm thận trọng. Bà cho rằng số lượng án về phá sản và sở hữu trí tuệ hiện nay là không lớn, thậm chí tại nhiều địa phương gần như không phát sinh trong cả năm. Nếu tổ chức các tòa chuyên trách ở cấp khu vực trong bối cảnh hiện tại có thể dẫn đến hiệu suất xét xử thấp, tốn kém về bộ máy và nhân lực. Theo bà, phương án khả thi hơn là bố trí thẩm phán chuyên trách trong các tòa Kinh tế hoặc Dân sự để xử lý các vụ việc này mà không cần thành lập tòa riêng.
Chánh án Lê Minh Trí tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho biết TAND Tối cao đang xây dựng các tiêu chí rõ ràng về số lượng vụ án trung bình trong ba năm liên tiếp, năng lực hạ tầng, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của khu vực… làm căn cứ cho việc thành lập các tòa chuyên trách. Ông cũng nhấn mạnh rằng đây là các tòa chuyên trách chứ không phải tòa chuyên biệt như trong các mô hình đặc thù, nên cần sự linh hoạt trong áp dụng.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần xây dựng lộ trình đào tạo và bố trí đội ngũ thẩm phán có chuyên môn sâu, am hiểu đặc thù của từng lĩnh vực. “Muốn xét xử đúng, xét xử nhanh, phải có người làm đúng chuyên môn, đủ trình độ và được đào tạo bài bản”, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) bày tỏ sự đồng thuận với dự thảo và tin tưởng rằng TAND Tối cao sẽ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn một số khu vực phù hợp để thí điểm thành lập các tòa chuyên trách này, bảo đảm vừa sát thực tế, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong bối cảnh hội nhập.
![]() |
Việc thành lập Tòa phá sản và Tòa SHTT chuyên trách là bước đi cần thiết để xây dựng một hệ thống tư pháp hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư quốc tế |
Từ các ý kiến đa chiều, có thể thấy rằng việc thành lập Tòa phá sản và Tòa SHTT chuyên trách là bước đi cần thiết để xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại, hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để các tòa chuyên trách thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, nhân sự, cơ sở vật chất và mô hình tổ chức. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới thực sự “mạnh dạn” đầu tư, đổi mới và phát triển trong một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và công bằng.