Ngày 23/11, thảo luận tại hội trường về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về điều kiện để hưởng lương hưu từ việc giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM). |
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) nêu thực tế, từ năm 2018, theo quy định của Luật BHXH hiện hành (điều 74) đã điều chỉnh cách tính tỷ lệ để được hưởng mức lương hưu tối đa là 75% của lao động nữ từ 25 năm lên 30 năm và lao động nam từ 30 năm lên 35 năm.
Theo bà Thúy, quy định này đang làm kéo giảm mức lương hưu của người lao động, làm giảm động lực thu hút người lao động ở lại với hệ thống an sinh xã hội đã dày công xây dựng. Vì vậy, cần phải có điều chỉnh hợp lý để mức lương hưu trong tương lai đảm bảo được mức sống cho người lao động.
Do đó, nữ đại biểu TP.HCM đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu tăng tỷ lệ tính mức lương hưu hằng tháng lên để thu hút người tham gia BHXH ở lại hệ thống an sinh.
Cụ thể sửa đổi quy định theo hướng: “Mức lương hưu hằng tháng của người lao động… bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại điều 72 của Luật này tương ứng với thời gian đóng BHXH là 20 năm đối với lao động nam và 15 năm đối với lao động nữ; cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2,3%, mức tối đa bằng 79,5%”.
Đại biểu cho rằng, hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa (75%) của nước ta có cao hơn so với một số quốc gia khác. Mức lương làm căn cứ đóng BHXH trên thực tế không cao, đa số chỉ đóng ở mức lương tối thiểu vùng dẫn tới việc hưởng lương hưu cũng rất thấp do nguyên tắc đóng hưởng. Đặc biệt mức lương hưu thực lãnh của người lao động (nhất là lao động phổ thông) khu vực ngoài nhà nước còn thấp, rất nhiều người lao động đang nhận mức lương hưu còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng, không thể đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân.
Ngoài ra, bà Thúy cũng đề nghị quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định nên tính bằng bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối thay vì toàn bộ thời gian, để người tham gia được hưởng mức lương hưu tốt hơn.
Song song đó, để tăng tính hấp dẫn, tạo động lực thu hút người lao động ở tham gia lâu dài với BHXH, đại biểu Thúy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách an sinh như hưởng chính sách chăm sóc dưỡng lão, 100% chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo… dành cho nhóm lao động tham gia suốt quá trình đóng BHXH để tăng tính hấp dẫn của chính quỹ này.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) |
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cũng băn khoăn, khoản 2 điều 68 dự thảo luật sửa đổi quy định "mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần mức lương bình quân đóng BHXH".
Trong khi đó, mức hưởng một lần được tính bằng 1,5 tháng bình quân tiền tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước 2014 và 2 tháng bình quân tiền đóng bảo hiểm cho những tháng đóng từ năm 2014 trở đi.
Thực tế, theo đại biểu Trân, tại Bình Dương cũng như cả nước hiện nay, số người hưởng lương hưu với tỷ lệ 75% rất ít, chủ yếu là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Vì thế, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%, bằng hai lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho những năm đóng BHXH cao hơn; thay vì 0,5 lần như luật BHXH 2014 và dự thảo luật BHXH sửa đổi.
Tranh luận với các ý kiến này, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng, quy định tỷ lệ tối đa 75% là phù hợp với thực tiễn và phù hợp với tính chất của lương hưu. Thực tế hiện nay, Việt Nam đang nằm trong những nhóm có thể nói là tỷ lệ lương hưu khá cao.
Song theo ông, khi tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện để hưởng 75% lương hưu nhưng chưa đến tuổi để nghỉ hưu, thời gian còn lại mà vẫn tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện thì có một chính sách ưu đãi, khuyến khích.