Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Pháp luật |
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới nảy sinh cần giải quyết, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ của quốc tế, nước ta đã vượt qua nhưng khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện.
Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ tháng 10/2021 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến 24 đề nghị xây dựng và 19 dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 06 phiên họp chuyên đề để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án, dự thảo được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn. Các dự án, dự thảo được các bộ chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo của Chính phủ |
Các ý kiến tại phiên họp đều đánh giá cao kết quả ở một số nội dung trọng tâm như công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành công tác trọng tâm, thường xuyên với nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thích ứng với tinh hình mới, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta thời gian qua phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do tình hình dịch COVID- 19 và nguy cơ về lạm phát, suy thoái kinh tế. Chính phủ đã hoàn thành đạt và vượt tiến độ các nhiệm vụ lập pháp được giao theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; đề xuất đưa vào chương trình và triển khai xây dựng nhiều dự án luật quan trọng để thực hiện mục tiêu "Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lầy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững".
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì vẫn tồn tại một số hạn chế như việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ở một số nơi, một số thời điểm còn chưa tốt, vẫn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến bộ máy thực thi công vụ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, qua giám sát, rà soát văn bản nhận thấy tình trạng sau khi Luật được ban hành, Chính phủ ban hành Nghị định quy định hướng dẫn chi tiết một cách kịp thời, theo đúng chủ trương của Quốc hội theo đúng quy định của Luật. Tuy nhiên sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thì các thông tư của Bộ lại ban hành không kịp thời theo Nghị định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang dẫn chứng, mặc dù Chính phủ có Nghị định mới có quy định về phân cấp quản lý viên chức nhưng một loạt thông tư liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ những năm 2014 chưa sửa đổi nội dung về phân cấp quản lý đối với đội ngũ viên chức theo tinh thần Nghị định của Chính phủ hay như các quy định về chứng chỉ đối với viên chức, dù Nghị định của Chính phủ đã bãi bỏ một số chứng chỉ nhưng Thông tư hướng dẫn của các Bộ quản lý lại chưa bỏ.
Trong khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định nguyên tắc khi văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên đã sửa đổi thì văn bản cấp dưới hướng dẫn quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực. Những thực tế tại các địa phương vẫn áp dụng theo các thông tư cũ. Đây là vấn đề cần được chấn chính trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ.
Đánh giá cao kết quả ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật, pháp lệnh, nghị quyết có xu hướng tốt hơn, thể hiện số văn bản chậm, số nợ đọng văn bản giảm dần, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng có được kết quả trên là nhờ Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối đã quyết liệt triển khai với nhiều cách làm đổi mới.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cũng chỉ ra còn một số nội dung còn cần khắc phục như về ban hành chậm năm 2022 còn chiếm đến 57,63%, cần phân tích làm rõ đâu là nguyên nhân cơ bản, phổ biến để có giải pháp sát, trúng và hiệu quả. Cùng với đó còn đến 11 văn bản nợ ban hành hướng dẫn chi tiết trong số đó nhiều văn bản luật đã có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay Chính phủ vẫn nợ văn bản hướng dẫn chi tiết.
Vấn đề đặt ra là tại sao lại chậm, lại nợ ban hành văn bản, là do vấn đề quá khó hay thời gian quá gấp…là những nội dung cần được làm rõ và đề xuất giải pháp, lộ trình thực hiện, cũng như đánh giá tác động của việc chậm, nợ văn bản đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành |
Cùng quan điểm về đánh giá kết quả thực hiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn nội thi hành pháp luật thay vì tập trung vào nội dung ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, tuyên truyền giáo dục pháp luật, rà soát văn bản hợp nhất.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đặc điểm tình hình của kỳ báo cáo lần này có điểm đặc biệt là trong thời điểm cả nước quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có tổ chức thực hiện Nghị quyêt 30/2021/QH15 của Quốc hội thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch. Tương ứng với đó là công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nhiều quy định mang tính đặc thù khác với quy định thông thường. Đây là nội dung cần được thể hiện rõ hơn trong báo cáo, đánh giá cụ thể.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phân tích, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ban hành văn bản được tiến hành khẩn trương, kịp thời, nhiều văn bản được ban hành theo thủ tục rút gọn với sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan hữu quan. Tuy nhiên qua theo dõi thực tế và qua phản ánh của dư luận cho thấy có nhiều văn bản chậm được triển khai trong cuộc sống.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, trong khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ rất cấp bách, khẩn trương ban hành văn bản nhưng khi triển khai thực tế lại rất chậm trễ và nhiều vướng mắc.
Như việc thực hiện Nghị quyêt 43/2022/QH15 tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV liên quan đến một số chính sách như giảm thuế VAT, hỗ trợ chi trả tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp….đến nay nhiều chính sách chưa đến tay người lao động, thậm chí có chính sách hết thời hạn thực hiện mà vẫn chưa triển khai xong.
Thực tế này cho thấy công tác tổ chức thi hành pháp luật có vấn đề và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đã đề ra chính sách hợp lòng dân để hỗ trợ kịp thời người dân người lao động, doanh nghiệp nhưng lại không thực hiện được hoặc khi thực hiện người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc về thủ tục rườm rà. Do đó cần có đánh giá cụ thể nguyên nhân, rõ trách nhiệm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp đặt vấn đề do năng lực triển khai của bộ máy cán bộ còn yếu hay do việc ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn thiếu đánh giá chính sách, thiếu lấy ý kiến đối tượng tác động dẫn đến chính sách ban hành nhưng tính khả thi không cao, chưa sát yêu cầu thực tế hay do thời gian ban hành triển khai quá gấp, các cơ quan triển khai và người dân chưa kịp nắm bắt đầy đủ…là những vấn đề cần được làm rõ để có giải pháp khắc phục phù hợp.
Cùng với đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy chỉ rõ hạn chế trong việc phản ứng chính sách còn chậm, thiếu tính chủ động. Trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, Nhân dân và cử tri, xã hội đã có rất nhiều phản ánh nhưng các cơ quan nhà nước phản ứng với các vấn đề thực tiễn phát sinh như thế nào, cập nhật tình hình, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định, chính sách còn rất chậm mà đến nay vẫn chưa làm rõ vướng mắc ở khâu nào.
Như trong quý I/2022, số lượng F0 trong cả nước rất nhiều nhưng thủ tục khai báo, xác nhận F0 để nhận chế độ bảo hiểm xã hội lại rất vướng, trong khi đó các cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại chưa sửa đổi. Hay điều chỉnh linh hoạt thời gian làm thêm giờ nhằm ổn định sản xuất kinh doanh được nhiều doanh nghiệp đề xuất từ quý III - quý IV/2021 nhưng đến tháng 3/2022, Chính phủ mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cũng lưu ý, các chính sách đặc thù liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội có thời gian thực hiện đến hết 31/12/2022, đến nay là gần hết thời gian thi hành nhưng Chính phủ chưa có động thái rà soát, đánh giá tình hình để có báo cáo Quốc hội về việc có tiếp tục kéo dài chính sách hay xử lý các vấn đề phát sinh do thực hiện chính sách. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề nghị cần có sự chủ động hơn để khi văn bản hết hiệu lực kịp thời có hướng dẫn xử lý.