Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 |
Tại phiên họp, sau khi nghe trình bày các báo cáo và ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của cả Chính phủ và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong việc xây dựng các báo cáo. Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất sâu và chất lượng làm cơ sở để tiếp thu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng của văn bản.
Về nội dung cụ thể của các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ và cơ quan thẩm tra bám sát các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, cũng như các kết luận hàng tháng của lãnh đạo chủ chốt, kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội…là những tài liệu chính thống để làm căn cứ đánh giá và bám sát cả về cấu trúc, nội dung, định hướng giải pháp, tránh được lan man, tản mạn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra cần phải ngắn gọn hơn, khái quát hơn, xác thực và khách quan hơn. Những thành tựu không được nhận diện hết sẽ không được, mà những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân khách quan, chủ quan mà nhìn lệch lạc lại càng nguy hiểm hơn, bởi khi đó không thấy được mặt tốt để phát huy và những gì cần phải khắc phục.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, các báo cáo còn quá lạc quan, có những thành tích đạt được nhưng lại nhận diện không hết và có những mặt yếu kém còn nói chung chung, đánh giá không sát. "Do đó, phải khái quát hơn, sát thực hơn và khách quan hơn, thực tiễn thế nào nói đúng như thế, chân lý là thực tiễn, xúc tích hơn, có trọng tâm, trọng điểm", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu |
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần có thêm phần định lượng, các chỉ tiêu lớn, các số liệu lớn cần được đưa ngay vào trong báo cáo chính để tự thân con số nói lên tất cả, không cần nhiều lời. Đồng thời cần cân đối hơn cả về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tòa án, viện kiểm sát, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Liên quan đến đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để thể hiện ngắn gọn, trong đó tập trung nói rõ việc có thêm 01 chỉ tiêu không đạt và việc ngân sách vượt dự toán lớn, vượt hơn 28%.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm, việc xây dựng dự toán thấp dẫn đến chi thấp, đến khi có vượt thu cũng không có phương án chi. Xây dựng dự toán quá thấp vô hình trung tự mình bó hẹp không gian tài khóa. Đặt vấn đề về quy trình ngân sách hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết vấn đề dự toán thấp là căn bệnh nhiều năm không được khắc phục, trong đây có phần trách nhiệm của kiểm toán, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra. Điều này đặt ra vấn đề xem xét sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, quy trình ngân sách, việc thảo luận quyết định các vấn đề về ngân sách.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập bổ sung đến điểm sáng của năm 2022. Đó là nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được ổn định về tỷ giá và lạm phát trong bối cảnh Quý 3-4/2022 phải đối diện với các cú sốc của tình hình thế giới và trong nước. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo Chính phủ, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh nội dung này; làm rõ cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ là cơ quan tổ chức thực thi, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chịu trách nhiệm về vĩ mô đã góp phần chống chịu được các cú sốc liên tục.
Các đại biểu khách mời tham dự phiên họp |
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá thêm và có dự báo việc suy giảm động lực và tốc độ tăng trưởng, chiều hướng đi lên hay đi xuống, lý giải nguyên nhân; phân tích những khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các vấn đề trong kiểm soát lạm phát, trong điều hành chính sách tiền tệ khi nới room tín dụng quá muộn cho thấy phản ứng chính sách còn thiếu nhạy bén để rút kinh nghiệm trong việc điều hành, để tập trung vào những việc thực chất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô để đánh giá thêm năm 2022, kể cả những nỗ lực cố gắng mình đã đạt được và những vấn đề đang đặt ra và phải tiếp tục xử lý cho năm 2023.
Liên quan đến đánh giá tình hình những tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ về cơ bản vẫn giữ được ổn định vĩ mô lớn lắm, cơ bản giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định.
Tuy nhiên, có các chỉ tiêu khác giảm rất nhanh cần được nêu rõ để cùng thảo luận, suy nghĩ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, lao động trong doanh nghiệp công nghiệp giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng và gần như không có tăng trưởng về doanh nghiệp.
Về giải ngân vốn đầu tư, dù đã nỗ lực cố gắng nhưng cũng chỉ bằng 19% so với dự toán giao, cả 4 tháng được có 19%. Thu hút FDI giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, số vốn thực hiện cũng giảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 39,8% dự toán nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, chưa kể Quý 1/2023 có một số khoản thu từ năm trước chuyển sang và nếu tách hết các yếu tố bất thường để xem lại quy mô thu ngân sách của 4 tháng đầu năm có thể thấy tình hình này có thể thấp hơn, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Ngoài ra, xuất khẩu giảm đến 11,8%, nhập khẩu giảm mạnh hơn. Cán cân thương mại thặng dư, nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD, xuất siêu 14 tỷ USD mà chủ yếu là đầu tư nước ngoài. Lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá bình quân. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 19,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 61% so với cùng kỳ của năm 2019. Các thị trường vẫn đang vướng mắc. Doanh nghiệp và người dân đang rất khó khăn.
Nêu rõ các con số trên nói lên được tất cả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải phân tích trên cơ sở số liệu này và đánh giá xu hướng của nó. Đồng thời, phải phân tích cho rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân bên ngoài, bên trong; làm rõ khó khăn với thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi như thế nào để có giải pháp phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các giải pháp cần tập trung vào những nội dung đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, bám sát những nguyên nhân đã nhận diện. Hiện nay các chuyên gia, nhà khoa học góp ý phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung nhiều vào việc họp bàn kỹ, quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể.