Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự |
![]() |
Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc |
Báo cáo tình hình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND), UBND bị kiện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2019-2021 với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Tư pháp, đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, 100% các vụ án được Toà án tiến hành tổ chức mở phiên họp đối thoại, qua tiến hành đối thoại, đa phần người khởi kiện chủ động rút yêu cầu khởi kiện.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh, thu thập chứng cứ. Theo đó, các khiếu kiện hành chính thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như lĩnh vực quản lý đất đai; lĩnh vực xây dựng; lĩnh vực thuế, hải quan; sở hữu trí tuệ;… được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đặc biệt là các quy phạm pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, đòi hỏi cần nhiều thời gian tập hợp, tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết các vụ án, Thẩm phán đều gửi Thông báo thụ lý và yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ cho các đương sự trong vụ án và ấn định thời gian cung cấp tài liệu kèm theo thông tin liên lạc trong trường hợp có ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, đa phần các vụ án có Chủ tịch và UBND tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không cung cấp tài liệu trong thời hạn yêu cầu.
Một số vụ án Thẩm phán gửi thông báo yêu cầu cung cấp tài liệu nhiều lần và trực tiếp liên hệ với lãnh đạo UBND yêu cầu đôn đốc việc cung cấp tài liệu. Đặc biệt, vẫn còn trường hợp Thẩm phán nhiều lần yêu cầu bằng văn bản, trực tiếp làm việc, liên hệ trao đổi với lãnh đạo UBND nhưng UBND vẫn không cung cấp tài liệu và không có văn bản phản hồi đối với yêu cầu của Toà án.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, việc cung cấp tài liệu chứng cứ không kịp thời dẫn đến việc Toà án không có tài liệu để tiến hành đối thoại dẫn tới chậm tiến độ giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử do thiếu tài liệu. Ngoài ra, người bị kiện là UBND, Chủ tịch UBND không hay tham gia tố tụng, cấp phó được uỷ quyền cũng xin vắng mặt. Do vậy, Toà án không thể tiến hành đối thoại dẫn đến việc giải quyết vụ án luôn bị kéo dài.
Cùng với đó, nhiều vụ án cần chờ kết luận thanh tra, kết luận điều tra, nhiều trường hợp phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án để đợi kết quả thanh tra dẫn đến việc quá thời hạn giải quyết vụ án. Ngoài ra, trong cùng một dự án có nhiều vụ án thụ lý giải quyết nhưng không thụ lý cùng thời điểm, có bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người khởi kiện kháng nghị giám đốc thẩm. Với hồ sơ pháp lý giống nhau nhưng kết quả xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm khác nhau, do đó Thẩm phán cẩn trọng hơn khi giải quyết các vụ án tương tự.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, để nâng cao hiệu quả xét xử của Toà án đối với các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND, đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng Chủ tịch UBND, UBND cần thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản trình bày ý kiến, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án. Đồng thời tích cực, chủ động tham gia đối thoại, tham gia phiên toà để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, cần xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm những bức xúc, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân.
Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho rằng cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án của Chủ tịch UBND, UBND. Cùng với đó cần có cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu và tham gia tố tụng của các Chủ tịch UBND, UBND./.