Cần bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong tổ chức, hoạt động của hợp tác xã |
Từ khi Hội nghị Trung ương 5 khóa IX ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, đến nay, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có một bước phát triển mới. Nghị quyết xác định cần phải củng cố những hợp tác xã hiện có và tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế hợp tác xã với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, các địa bàn và đề ra mục tiêu đến năm 2010 đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, có tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế, đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế tập thể.
Các quan điểm của Nghị quyết Trung ương được thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế chính sách của Nhà nước. Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Hợp tác xã năm 2003 thay thế cho Luật Hợp tác xã năm 1996, xác định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật; xác định rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất và thành viên hợp tác xã. Đồng thời, Luật Hợp tác xã năm 2003 cũng xác định rõ hơn, đúng và đầy đủ hơn nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã, xã viên hợp tác xã, về quản lý nhà nước và những chính sách của Nhà nước đối với hợp tác xã.
Nhiều chính sách của Nhà nước để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã hoạt động, phát triển đã được triển khai thực hiện, như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý hợp tác xã và các kiến thức cần thiết cho xã viên hợp tác xã; chính sách đất đai, tạo điều kiện để hợp tác xã có đất xây dựng văn phòng, nhà xưởng, các cơ sở hạ tầng khác; chính sách thuế, tín dụng để miễn giảm thuế, tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển; chính sách hỗ trợ ứng dụng, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công cho các hợp tác xã;...
Tiếp đó, để đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tình hình mới, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hợp tác xã 2012, với nhiều điểm mới, thể hiện rõ hơn bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã; làm rõ sự khác biệt giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội từ thiện; những điều kiện để trở thành thành viên hợp tác xã; quy định đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã;... Để triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định và lồng ghép nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nhiều nghị định khác; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 10 quyết định; các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành 21 thông tư, nhiều hướng dẫn.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII |
Luật Hợp tác xã 2012 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của Hợp tác xã trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Hợp tác xã năm 2012 bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" - Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Theo đó, tại Nghị quyết cũng đã đưa ra những nội dung mới, định hướng lớn, mang tính chất dài hạn và những mục tiêu cụ thể, lượng hóa cho từng giai đoạn để phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, tại Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2922, Chính phủ thống nhất sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Hợp tác xã năm 2012, hoàn thiện thể chế thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển các Tổ chức kinh tế hợp tác, giữ bản chất hợp tác của kinh tế hợp tác, Hợp tác xã.
Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong lần sửa đổi này, dự luật cần bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã.
Theo PGS.TS Bùi Thị Lý, Viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế, Luật Hợp tác xã cần bổ sung những quy định về ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các nền tảng số, đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng về công nghệ số cho cán bộ, người lao động, sử dụng công nghệ số trong quản lý tài chính, tài sản, quản lý kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý nhân sự, điều hành sản xuất kinh doanh, làm việc qua mạng, tổ chức hội nghị trực tuyến, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của hợp tác xã, ký kết hợp đồng, mua bán, thanh toán qua hệ thống mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu số của hợp tác xã, …
Cùng quan điểm, TS.Vũ Quang Huy, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho rằng, Luật Hợp tác xã cần bổ sung những quy định về ứng dụng công nghệ số, chuyển đối số trong tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã, như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các nền tảng số, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng về công nghệ số cho thành viên, người lao động trong Hợp tác xã để sử dụng công nghệ số trong quản lý tài chính, tài sản, quản lý kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý nhân sự, điều hành sản xuất kinh doanh, làm việc qua mạng, tổ chức hội nghị trực tuyến, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của hợp tác xã, ký kết hợp đồng, mua bán, thanh toán qua hệ thống mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu số của hợp tác xã,…
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, lần sửa đổi này, Luật Hợp tác xã cần chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhất quán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hình thành, phát triển, tham gia hội nhập quốc tế. Tăng cường năng lực, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về kinh tế hợp tác và HTX. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các Luật liên quan (Luật Đất đại, Luật Thuế), tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các thành p hần kinh tế dễ dàng thành lập, tham gia, phát triển, rút khỏi các loại hình kinh tế tập thể, cho phù hợp với xu thế phát triển Hợp tác xã quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển./.