Căn cứ đề nghị của Cục Viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng vừa ra quyết định ban hành Bộ chỉ tiêu kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối, trạm gốc và chất lượng dịch vụ mạng 5G.
Theo bộ chỉ tiêu, các thiết bị đầu cuối 5G tại Việt Nam sẽ hoạt động trong 2 dải tần FR1 (410 MHz - 7125 MHz) và FR2 (24250 MHz - 52600 MHz).
Tại dải tần FR1, các băng tần thiết bị đầu cuối 5G được phép hoạt động là n1, n3, n5, n8, n28, n40, n41, n77v và n79. Với dải tần FR2, thiết bị đầu cuối 5G được hoạt động tại băng tần n258.
Ban hành Bộ chỉ tiêu kỹ thuật cho chất lượng dịch vụ mạng 5G
Theo Bộ chỉ tiêu chất lượng của Bộ TT&TT, tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống của dịch vụ mạng 5G tại Việt Nam phải ở mức tối thiểu là 100 Mbps. Tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng lên phải ≥ 50 Mbps.
Ngoài ra, 95% số mẫu tải hướng xuống phải có tốc độ ≥ 30 Mbps. Về độ trễ, Bộ TT&TT yêu cầu thời gian trễ truy nhập trung bình của mạng 5G tại Việt Nam phải <= 50 ms.
Đây chỉ là những thông số cơ bản dùng làm chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ mạng 5G tại Việt Nam. Về mặt lý thuyết, tốc độ truy cập dữ liệu mà một mạng 5G cung cấp có thể lên tới 10 Gbps.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thử nghiệm tại trụ sở Bộ TT&TT, mạng 5G đường xuống của nhà mạng Viettel đã đạt tốc độ hơn 400 Mbps. Do vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm, tốc độ này dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Bộ chỉ tiêu kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối, trạm gốc 5G là tài liệu hướng dẫn cơ quan, tổ chức xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, thiết lập mạng, đánh giá, lựa chọn thiết bị đầu cuối và thiết bị trạm gốc 5G.
Bộ tài liệu này được ban hành nhằm mục đích chuẩn bị cho việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam vào cuối năm 2020.
Với Bộ chỉ tiêu chất lượng dịch vụ mạng 5G, đây là các tiêu chí để xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, thiết lập mạng và đánh giá chất lượng dịch vụ mạng 5G tại Việt Nam.
Hà Anh